Người trẻ muốn có nhà thì phải... "nín đẻ"!?

Cập nhật 17/10/2016 09:00

Giới trẻ có nhu cầu mua nhà rất nhiều nhưng thu nhập thì lại hạn chế. Dù được ngân hàng hỗ trợ tài chính, nhưng với những người trẻ không phải ai cũng “giám sát” được túi tiền của mình kĩ càng. Do đó, muốn có "chốn an cư", giới trẻ không chỉ cắt giảm những thú vui mà cả việc sinh con trong thời gian này cũng không nên.

Chấp nhận sống “khắc khổ tối đa”

Theo ước tính của Hiệp hội bất động sản TPHCM, mỗi năm có khoảng 50.000 cặp vợ chồng mới cưới chắc chắn có nhu cầu ra ở nhà riêng. Theo khảo sát, phần lớn người trẻ trong độ tuổi 25-35 đều có nhu cầu mua nhà trong vòng 1-3 năm tới.

Nhu cầu cao nhưng nguồn cung nhà vẫn chưa đủ, cho dù gần đây các chủ đầu tư cũng đã chú ý đến phân khúc này. Theo theo ước tính của Savills và JLL, nguồn cung căn hộ ra thị trường tính đến quý 3/2016 vào khoảng 60.000 căn, khoảng 1/3 trong số này có giá từ 1,2 tỷ đồng trở xuống. Còn nghiên cứu của CBRE cho thấy trong số căn hộ mở bán tại quý 2 và quý 3 năm 2016, số căn thuộc phân khúc trung cấp chiếm trên 40%, phân khúc bình dân chiếm khoảng 18%. Đây là hai phân khúc thường được người trẻ chú ý.

Hội thảo giải pháp đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khách hàng trẻ thu hút sự quan tâm của... sinh viên

Có nhiều yếu tố để cân nhắc lựa chọn căn hộ như vị trí, tính pháp lý, môi trường sống, chất lượng, nhưng quan trọng đối với người trẻ là mua nhà phù hợp với mức thu nhập. Hiện nay, các căn hộ có mức giá khoảng 800 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng được cho là phù hợp với người trẻ có thu nhập nằm trong khoảng 10 – 15 triệu/tháng. Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, các bạn trẻ muốn mua nhà ít nhất trong tay phải có số tiền tương đương 30% giá trị căn hộ và chỉ nên vay tối đa khoảng 70%.

Điều quan trọng là sau khi vay được tiền mua nhà thì người trẻ cũng phải biết cách kiểm soát khoản vay của mình. Rào cản về lãi suất không chỉ xuất hiện lúc kí giấy mua nhà mà theo chân suốt trong quá trình trả nợ. Hiện nay, lãi suất vay ở các ngân hàng tính theo cách cộng lãi suất tiết kiệm kì hạn 12 tháng trở lên cùng một con số biên độ (thường là 3-3,5%). Lãi suất tiết kiệm và biên độ có khả năng được các ngân hàng điều chỉnh tùy theo hiện trạng của nền kinh tế. Ngoài ra, người vay cũng gặp rủi ro về mặt thu nhập trong tương lai nếu số tiền kiếm được trong tương lai có thể giảm, hoặc tăng nhưng không nhiều như kì vọng.

Giải pháp là tạo ra một vòng tròn an toàn cho bản thân khi quyết định mua nhà, điều này ít được người trẻ để ý. Các chuyên gia cho rằng, cần phải có kế hoạch tài chính chi trả cụ thể trong suốt thời gian vay, được khuyến cáo ở mức 12 triệu đồng/tháng, mới tạo đươc vòng an toàn cho mình khi quyết định mua nhà.

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trong khoảng 2, 3 năm đầu người trẻ nên chuẩn bị tinh thần, chấp nhận sống “khắc khổ tối đa” để đảm bảo trả nợ, đồng nghĩa với việc cắt giảm tối đa chi tiêu của bản thân cho các nhu cầu khác như: du lịch, giải trí, ăn uống,… “Nếu chọn được “căn hộ ưng ý” nhưng tài chính chưa cân đối, có thể chưa ra riêng để cho thuê một thời gian tăng nguồn trả nợ”, tiến sĩ Đinh Thế Hiển nói.

Thậm chí, bà Đỗ Thu Diễm, Giám đốc điều hành Công ty bất động sản Vietcomreal cho rằng, không chỉ cắt giảm những thú vui mà cả việc sinh con trong thời gian này cũng không nên. Trong trường hợp chưa thu xếp được về mặt tài chính, người trẻ cũng nên gác lại giấc mơ mua nhà.

Người trẻ thì đừng "lướt sóng"

Theo tiến sĩ Bùi Quang Tín, khi vay tiền mua nhà cũng phải chú ý đến hình thức trả nợ. Hiện nay, các ngân hàng thường có hai hình thức trả nợ là trả góp theo dư nợ giảm dần hoặc cố định và lãi trả hàng kỳ, gốc trả cuối kỳ. Phương thức trả góp định kỳ theo dư nợ giảm dần được cho là phù hợp hơn với nhu cầu mua nhà để ở và khách hàng có nguồn thu nhập ổn định. Hình thức này sẽ tiết kiệm được chi phí trả lãi cũng như giảm áp lực trả nợ cuối kỳ.

Một điểm chú ý khác là lịch sử tín dụng. Theo thạc sĩ Lê Minh Long, Đại học Ngân hàng TPHCM, người trẻ thường có những khoản vay tiêu dùng thông qua các công ty tài chính tiêu dùng, hoặc sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng. Nếu lịch sử trả nợ thẻ tín dụng không tốt, sẽ ảnh hưởng đến việc vay vốn ngân hàng sau này, khi ngân hàng thường áp lãi suất cao hơn với những người có lịch sử tín dụng không tốt.

Dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng người trẻ nên mạnh dạn mua nhà, vì nó tạo động lực cho người trẻ phải chịu trách nhiệm tài chính cho bản thân, gia đình mình. "Người trẻ đừng đặt yêu cầu cao quá vào căn nhà đầu tiên. Nên nghĩ theo hướng không phải mua nhà một lần mà đó là cơ sở để mình tích lũy và sẽ thay đổi trong tương lai. Đồng thời người trẻ chỉ nên mua nhà vì nhu cầu thực sự của mình chứ không phải để đầu tư lướt sóng", ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc công ty Địa ốc Him Lam nhấn mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí