Người trẻ cách gì mua nhà Sài Gòn - Kỳ 3: Cầm 200 triệu đã dám sắm

Cập nhật 22/03/2017 13:48

Khi vừa sinh con gái đầu lòng, có trong tay hơn 200 triệu, vợ chồng anh Minh quyết định mua nhà chung cư trả góp tại quận 12 (TP.HCM). Căn nhà rộng 60 m2 với đầy đủ tiện ích xung quanh khiến anh chị khá hài lòng.

>>Người trẻ cách gì mua nhà Sài Gòn - Kỳ 2 'Cày' tối mặt sắm nhà tiền tỉ

>>Người trẻ cách gì mua nhà Sài Gòn - Kỳ 1: Vòng xoáy và giấc mơ 'xa xỉ'

Có trong tay hơn 200 triệu, anh Nguyễn Thanh Minh đã quyết định mua nhà Sài Gòn

Cũng như nhiều người dân tỉnh khác vào TP.HCM học tập và ở lại lập nghiệp, anh Nguyễn Thanh Minh (32 tuổi, quê Khánh Hòa) ban đầu không nghĩ rằng mình sẽ mua được nhà ở nơi “phồn hoa” này, thế nhưng mọi suy nghĩ thay đổi khi anh bắt đầu tìm hiểu một số dự án nhà ở xã hội.

Có trong tay hơn 200 triệu đã quyết định mua nhà

Anh Minh cho biết, năm 2004, anh từ Khánh Hòa vào TP.HCM học chuyên ngành kế toán tại một trường đại học ở khu trung tâm. May mắn khi vừa ra trường, anh được nhận vào làm tại một trường chuyên đào tạo các kỹ năng mềm. Tại đây, anh được bồi dưỡng thêm các kỹ năng về giao tiếp và quản trị.

Chung cư hiện tại anh Minh đang ở Ảnh: Vũ Phượng

Sau 2 năm, anh Minh cảm thấy mức thu nhập không ổn nên chuyển công tác sang một đơn vị chuyên kinh doanh điện tử viễn thông. Công việc thuận lợi, trong thời gian này anh Minh lập gia đình và có em bé. Sau đó, anh Minh được lên chức trưởng phòng với lương cứng 14 triệu đồng/tháng cùng một số khoản thu nhập khác như: doanh số, hoa hồng sản phẩm; còn vợ anh lúc đó làm việc cho một công ty luật với mức lương 10 triệu đồng.

Đến tháng 10.2014, vợ chồng anh tình cờ biết được các dự án nhà ở xã hội, khi mua chỉ cần trả trước 30%, còn lại trả góp trong 15 năm và mỗi tháng không quá 6 triệu nên đã đăng ký mua.

Anh Minh kể: “Tiền cưới được khoảng 100 triệu, sau đó đi làm tích góp thêm, khi quyết định mua nhà trong tay tôi chỉ có hơn 200 triệu. Đến khi trả tiền nhà thì tôi có hơn 300 triệu, trả trước 30% tiền nhà cũng vẫn còn dư được gần 100 triệu tôi dùng để sắm sửa nội thất”.

Thực ra khi vào học cho đến lúc đi làm chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể mua nhà ở Sài Gòn. Đó chính là giấc mơ mà mình khó đoán định, bởi vì tôi chỉ biết đi làm, ở nhà thuê với bạn bè. Trước khi làm nghề bất động sản, tôi chưa hề có suy nghĩ mua nhà, nhưng từ khi làm được vài tháng tôi bắt đầu nghĩ đến nó và quyết tâm mua nhà cho mình

Anh Chế Ngọc Thạch
 

Tháng 1.2015, khi căn hộ vẫn đang trong quá trình xây dựng, anh Minh đã hoàn tất hợp đồng mua nhà 60m2 giá 840 triệu chưa thuế và bắt đầu thanh toán tiền nhà, Anh Minh cho hay đó là những tháng ngày thật sự áp lực vì anh vừa phải trả tiền nhà trọ vừa phải trả tiền căn hộ. Nhưng có lẽ anh Minh thực sự may mắn vì khoảng thời gian này anh có mức thu nhập khá tốt, đủ để trang trải tiền nhà cả hai bên.

Không quá khó để trả tiền nhà

Anh Minh luôn nói mình khá may mắn vì mọi việc đều “thuận buồm xuôi gió”. Sau 10 năm ở trọ, anh đã được ở trong căn nhà của chính mình mà cứ ngỡ là mơ. Hiện tại, anh Minh đang là quản lý một trung tâm toán tư duy Hoa Kỳ tại TP.HCM, vợ vẫn làm nghề cũ, tổng thu nhập hai vợ chồng vào khoảng 30 triệu đồng/tháng.

“Mỗi tháng trả tiền nhà chưa đến 6 triệu, cộng thêm tiền học của con, các khoản chi tiêu khác hết cùng lắm là 20 triệu. Tháng nào có đám, tiệc thì chi phí nhỉnh thêm 1 - 2 triệu nên tôi thấy không có áp lực gì trong việc thanh toán tiền nhà. Với mức thanh toán này, vợ chồng tôi mới có thể “sống khỏe”, còn ban đầu mà chọn một số gói vay mua nhà có mức thanh toán lên đến hơn 10 triệu/tháng thì chắc giờ này chúng tôi vẫn còn đi ở trọ”, anh Minh chia sẻ.

Để mua được nhà ở xã hội, theo anh Minh khâu chuẩn bị thủ tục là khó khăn nhất, từ KT3 (nay là Sổ tạm trú HK09) đến chứng minh thu nhập, số người ở,… vì đa phần những người ở trọ đều đăng ký tạm trú chứ không có sổ tạm trú hay KT3,…

Chia sẻ lời khuyên cho những người trẻ đang lập nghiệp tại TP.HCM và có ước muốn mua nhà, anh Minh nói: “Trong cuộc sống mình nên có mục tiêu và mục đích của mục tiêu, ví dụ mục tiêu là trong 2 năm nữa có nhà, mục đích của mục tiêu là để ăn cư lập nghiệp, rồi mình quyết tâm và nỗ lực để thực hiện mục tiêu đó. Tôi làm được, bạn cũng làm được”.

Mua nhà TP.HCM sau 3 năm lập nghiệp

So với nhiều bạn bè cùng lứa, anh Chế Ngọc Thạch (32 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) là người dấn thân lập nghiệp ở TP.HCM trễ nhất. Vào năm 2012, với hành trang duy nhất là tấm bằng cao đẳng ở quê nhà, khi vào TP.HCM, anh Thạch tìm cách học lớp liên thông đại học.
Trong khoảng thời gian học liên thông, anh Thạch làm thêm nhiều nghề khác nhau để có tiền trang trải cuộc sống. Đến cuối năm 2014, anh Thạch tốt nghiệp ra trường và bắt đầu bằng công việc kinh doanh buôn bán. Việc đầu tiên anh làm là nghề môi giới xe máy và ô tô cũ, kinh doanh cà phê. Tuy vậy, số tiền kiếm được cũng đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng cho anh và chưa nghĩ gì đến việc mua nhà cho mình.

“Thực ra khi vào học cho đến lúc đi làm chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể mua nhà ở Sài Gòn. Đó chính là giấc mơ mà mình khó đoán định, bởi vì tôi chỉ biết đi làm, ở nhà thuê với bạn bè. Trước khi làm nghề bất động sản, tôi chưa hề có suy nghĩ mua nhà, nhưng từ khi làm được vài tháng tôi bắt đầu nghĩ đến nó và quyết tâm mua nhà cho mình”, anh Thạch chia sẻ.
 

Mãi đến tháng 6.2015 anh Thạch chuyển hướng sang làm môi giới bất động sản cho một công ty thì ý chí phải có một căn nhà riêng cho mình mới dần hình thành. Từ đó, anh biết được nhiều khách hàng mua nhà đều có “hoàn cảnh” như anh, vậy tại sao họ dám mua còn anh thì không. Nhiều lần tự vấn bản thân, anh quyết định lên kế hoạch mua nhà.
 

Với tiền lương cứng ở công ty, cộng với tiền hoa hồng bán nhà, mỗi tháng anh Thạch bỏ túi khoảng 50 đến 60 triệu đồng. Lúc này, anh cũng lập gia đình càng giúp anh có thêm động lực trong việc mua nhà.

Anh quyết định chọn mua một căn nhà trong hẻm ở Q.Thủ Đức có diện tích 80m2, với giá 1,2 tỉ đồng từ số tiền tích góp của anh và vợ được 350 triệu, vay mượn từ gia đình thêm 150 triệu. Số còn lại anh vay ngân hàng khoảng 70% giá trị căn nhà và trả góp trong vòng 25 năm (mỗi tháng trả 10 triệu đồng tiền gốc và lãi).

“Khi tôi mua nhà rồi sẽ tìm mọi cách để trả nợ, nhất là nợ vay, sẽ tạo cho mình một áp lực rất lớn. Tôi phải nghĩ ra nhiều cách để làm kiếm nhiều tiền hơn”, anh Thạch cho biết.

Trong đó, việc anh ưu tiên hàng đầu là trả nợ vay. Vợ anh đảm nhận việc chi tiêu còn anh đảm nhận việc trả nợ tiền nhà. Anh Thạch cố làm thêm từ những nguồn bên ngoài như mua bán ô tô, làm kế toán cho nhiều công ty. Vì vậy, khoản thu nhập hàng tháng của anh có khi cán mốc gần 100 triệu.

Nhờ vậy, chỉ trong vòng 16 tháng anh đã trả xong phần vay 700 triệu cho ngân hàng. Anh Thạch cho biết, anh áp dụng biện pháp trả nợ vượt mức và linh hoạt. Trung bình một tháng anh đặt chỉ tiêu trả nợ 50 triệu. Tháng nào không đủ, anh sẽ dành ra 30 triệu, mượn thêm bạn 20 triệu để trả. Và tháng sau trả lại cho bạn 20 triệu và trả 10 triệu cho ngân hàng. Cứ như vậy tiền lãi, gốc của ngân hàng càng được giảm hơn nhiều, nhanh chóng rút ngắn thời gian vay.

Anh Thạch chia sẻ: “Cách đây 1 tháng tôi đã trả xong tất cả tiền vay ngân hàng, nói chung là vui lắm. Nhưng bây giờ tôi đang nghĩ sẽ bán căn nhà này để mua một căn nhà khác lớn hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Ngoài việc suy nghĩ quyết tâm mua nhà thôi chưa đủ, cái chính là động lực làm ra tiền để mua nhà mới lớn hơn”.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên