Người thu nhập thấp khó tham gia mô hình tiết kiệm nhà ở

Cập nhật 07/12/2013 08:57

Dù Bộ Xây dựng khẳng định ngân hàng tiết kiệm nhà ở hướng tới người nghèo, nhiều chuyên gia vẫn e ngại chỉ người thu nhập cao mới đủ tiền tham gia chương trình này.

Tại hội thảo về nhà ở do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 5/12, các chuyên gia Đức đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình tiết kiệm nhà ở cho Việt Nam.

Ông Christian Oestreich, Trưởng phòng thị trường quốc tế Ngân hàng Bausparkasse Schwäbisch Hall cho hay, mô hình tiết kiệm nhà ở đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nơi ở cho người dân. Mô hình này hoạt động dựa trên hình thức huy động nguồn vốn nhàn rỗi của người dân thông qua việc gửi tiền vào ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Khi được 50% tổng giá trị căn hộ muốn mua, người gửi có thể vay nửa số tiền còn lại với lãi suất ổn định.

Mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã thành công ở một số nước như Trung Quốc, Cộng hoà Séc, Hungary, Rumania… Các chuyên gia khẳng định, tiền gửi không bị sử dụng ở thị trường tín dụng tự do và chỉ phục vụ cho mục đích mua nhà.

Các chuyên gia cho rằng người thu nhập thấp khó tham gia tiết kiệm nhà ở. Ảnh: H.H

Cho rằng mô hình tiết kiệm nhà ở khá hay song một số chuyên lo ngại người thu nhập thấp tại Việt Nam không đủ tiền để với tới. Theo Tiến sĩ Trần Kim Chung, Viện Kinh tế Trung ương, mỗi cặp vợ chồng có thu nhập trung bình hiện vào khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng, nếu để dành được 5-6 triệu đồng thì phải mất tới 60 tháng mới có thể mua được căn hộ giá 300 triệu đồng với điều kiện không trượt giá. Trong trường hợp giá nhà đất đã tăng gấp đôi thì sau 5 năm góp được 300 triệu, người mua vẫn chưa đủ tiền mua nhà.

“Như vậy mô hình tiết kiệm nhà ở chưa thực sự giải quyết được nhu cầu cho người dân. Đó là chưa kể lãi suất điều chỉnh liên tục không ai theo kịp”, ông Chung lo ngại.

Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm nhận định, mô hình tiết kiệm nhà ở của các chuyên gia Đức đưa ra mới chỉ thích hợp cho tầng lớp có thu nhập cao, người thu nhập thấp chưa chạm vào được. Dẫn nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, Phó chủ tịch Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đóng vào quỹ tiết kiệm 50% giá trị căn hộ là quá cao so với con số 30% của thế giới.

“Hơn nữa, với điều kiện khác biệt về địa lý, về mức sống, thu nhập và cả điều kiện về nhà ở khác nhau hiện nay, khó để bắt một người dân tận trên Sơn La đóng tiền vào ngân hàng tiết kiệm để cho một người ở Hà Nội mua nhà”, ông Liêm nói.

Giải đáp các thắc mắc trên, các chuyên gia Đức khẳng định, mức lãi suất sẽ được áp cố định trong thời gian 10-15 năm để đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận được.

Cho rằng với mức lương hiện nay, rất khó để người dân mua nhà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, Nhà nước cần khuyến khích động viên người dân chủ động tham gia tiết kiệm tiền để tạo dòng vốn lâu dài. Theo ông Nam, người thu nhập thấp có thể tiếp cận được mô hình tiết kiệm nhà ở bởi hiện những ngôi nhà giá 300 triệu đồng ở Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng không thiếu.

“Mô hình tiết kiệm nhà ở chỉ là một trong số các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhà ở cho người dân và tất cả các vấn đề nảy sinh dự kiến đều phải được tính tới. Mô hình này sẽ giúp là người dân tránh tâm lý ỷ lại vào Nhà nước trong việc phát triển nhà ở”, ông Nam khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnexpress