Lô cốt đã đi nhưng “di chứng” còn ở lại: Nước đọng thành ao do mặt đường tái lập bị lún trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (ảnh chụp chiều 7-7). Ảnh: V.Thuật. |
Sau khi tháo dỡ rào chắn lô cốt, để tái lập mặt đường cho bằng phẳng, nhà nước cần chi hơn 10 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, nhiều chỗ sau khi đào đường thi công, nhà thầu tái lập mặt đường xong thì lại xuất hiện các ổ gà, các vết lún, sụt, gợn sóng... Bộ mặt đô thị trở nên lem luốc, nhiều tuyến đường trông chẳng khác chiếc áo vá chằng vá đụp. Điều này dễ dàng nhận thấy tại các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trường Chinh, Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sỹ...
Tốn tiền tỷ mới tạm gọi là đi lại được
Dọc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, dòng xe qua lại thường phải nhảy chồm lên xuống như đi đường đất đỏ vì mặt đường đầy các gợn sóng sau khi tái lập. Trên đường Lê Quang Định, nhiều điểm chưa tái lập hết nên mặt đường toàn đá xanh lởm chởm. Một số nơi nhà thầu tái lập nhưng còn thấp hơn mặt đường hiện hữu khiến xe hai, ba bánh lưu thông qua rất dễ bị mất tay lái mỗi khi băng xuống các đường gờ này.
Theo ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, tình trạng tái lập mặt đường chưa khớp với hiện trạng nền đường cũ nên chắc chắn khi tháo rào chắn phải làm lại nền đường. Cạnh đó, các nhà thầu chạy theo tiến độ nên làm ẩu. “Kinh phí để duy tu, tái lập mặt đường ngoài rào chắn hơn hai tỷ đồng mới tạm gọi là đi lại được. Còn tái lập cho bằng phẳng thì phải cần tới hơn 10 tỷ đồng” - ông Thắng nhấn mạnh. Ông Thắng kiến nghị đối với nhà thầu khi tái lập xong mặt đường đạt chất lượng mới cấp phép đào đường thi công mới.
“Cục nợ” sau đào đường: Ai gánh?
Nhiều đoạn trên đường Nguyễn Kiệm, mặt đường tái lập còn quá thấp so với mặt đường cũ (ảnh chụp chiều 7-7). Ảnh: V.Thuật. |
Ông Phan Châu Thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, khẳng định chính các nhà thầu phải có trách nhiệm bù lún, duy tu những khiếm khuyết trên sau khi tháo dỡ rào chắn. “Theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công đào đường, một năm sau khi công trình hoàn thành và bàn giao, nhà thầu còn phải tự bỏ kinh phí ra để khắc phục các sự cố này nếu mặt đường còn xuất hiện” - ông Thuận giải thích. Sau khi bàn giao công trình, chủ đầu tư sẽ giữ lại 5% tổng số kinh phí mà chủ đầu tư phải thanh toán với nhà thầu trong vòng một năm để khắc phục mặt đường sau tái lập hoàn chỉnh nhưng vẫn còn sụt lún nhưng nhà thầu chậm khắc phục.
Về việc mặt đường ngoài tường rào bị sụt, lún khi nhà thầu đang thi công, một số nhà thầu cho rằng do nằm ngoài công trình nên họ không phải chịu trách nhiệm. Về vấn đề này, ông Võ Vĩnh Bảo, Trưởng bộ môn Cầu đường (Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM), cho rằng cần xem xét nguyên nhân gây ra hư hỏng mặt đường. Trường hợp nhà thầu đào đường nhưng không đào đúng kỹ thuật gây ra sạt lở vách hố đào dẫn đến sự xuất hiện các ổ gà, sụt lún đường thì nhà thầu vẫn phải chịu trách nhiệm. Chuyên gia về xây dựng Phạm Chí Công cũng từng cho rằng việc mặt đường bị thu hẹp để thi công nên nhanh chóng bị hư thì nhà thầu cần phải có một phần trách nhiệm khắc phục các ổ gà, sụt lún chứ không thể đổ hết cho nhà nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP