Chung cư mới có vẻ khó khả thi đối với nhóm đối tượng này, còn các khu nhà tập thể cũ thì sao? Tuy các khu nhà này khá thuận lợi vì đều nằm ở các quận nội thành.
Một cặp vợ chồng trẻ có mức lương trung bình 10 – 12 triệu đồng/ tháng khá phổ biến, đây là nhóm đối tượng có mức thu nhập trung bình. Nếu tính ra chi phí sinh hoạt tại các TP lớn thì với mức thu nhập đó, họ khó có cơ hội mua và sở hữu một căn nhà tại Hà Nội.
Xét trên lý thuyết, họ có thể vay mua nhà để mua những căn hộ thuộc các khu nhà thu nhập thấp, tái định cư, chung cư mini... Nhưng thực tế, điều đó khó có thể xảy ra bởi những khu nhà này thường khá xa trung tâm TP, không thuận tiện về giao thông. Chị Huyền, quê ở TP Nam Định, cho biết, gia đình chị vẫn đang “loay hoay” để tìm mua và sở hữu một căn hộ nhưng những căn hộ vợ chồng chị ưng ý thì lại có giá khá cao, còn các căn hộ phù hợp với “túi tiền” lại không thể ở được bởi nó “thiếu” quá nhiều thứ. “Nếu mua nhà ở những vị trí đó thì cuộc sống của chúng tôi không chỉ bị “đảo lộn” mà còn bị ảnh hưởng đến công việc. Chưa biết chừng đổi xong nhà, tôi và chồng lại phải đi tìm nơi làm việc mới”, chị Huyền nói thêm.
Tại sao thị trường BĐS chưa tan băng trong khi nhu cầu người dân còn nhiều. Ảnh:Nguyễn Tuấn
|
Chung cư mới có vẻ khó khả thi đối với nhóm đối tượng này, còn các khu nhà tập thể cũ thì sao? Tuy các khu nhà này khá thuận lợi vì đều nằm ở các quận nội thành. Giá cả cũng phù hợp, nhất là khi thị trường bất động sản (BĐS) đang “đóng băng”, khiến các khu nhà cũ đều xuống giá mạnh. Ví dụ như các căn hộ tập thể ở khu vực Tân Mai, Nghĩa Tân, Trương Định… có mức giá dao động từ 600 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng/căn.
“Thuận lợi” là vậy nhưng người dân cũng không “mặn mà” vì đa phần những khu tập thể cũ đều đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho người dân. Đối với việc “xây mới” thì khó có thể diễn ra trong thời gian này. “Giờ nhà mới đang ế ẩm, DN thì khó khăn, lấy đâu ra tiền để xây lại các khu tập thể cũ”, anh Thắng, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy nói.
Thực tế, trước đây các nhà tập thể ở khu vực Thành Công được dự kiến “đập” đi xây mới. Nhưng sau khá nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện. Theo ông Nguyễn Huy Toản, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, các khu nhà này đều đã xuống cấp khá trầm trọng nhưng tại thời điểm chuẩn bị thực hiện dự án thì người dân chưa có sự đồng tình cao, còn vướng khá nhiều vấn đề trong việc “quy đổi” diện tích nhà. Đến khi kinh tế khó khăn, các DN cũng không còn mặn mà với dự án nữa nên đều “bỏ đi”. Giờ, người dân có muốn... cũng khó có thể thực hiện được.
Nhìn chung, các khu tập thể cũ có ưu điểm là gần trung tâm, khá thuận tiện cho việc học hành, vui chơi, chăm sóc sức khỏe và cũng thuận lợi cho việc đi làm. Song, cơ sở hạ tầng xuống cấp, người dân tự ý tu sửa, cơi nới và xây thêm “chuồng cọp”, hố ga bị quá tải... là những bất cập lớn đối với người có nhu cầu tìm nhà ở.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Hữu Dũng, người có nhiều năm trong lĩnh vực môi giới BĐS, nhận định: Đối với người có thu nhập trung bình trở xuống thì sở hữu một căn hộ hợp lý là điều khó có thể thực hiện bởi còn quá nhiều “rào cản” về tiêu chí. Trước đây, giá bán là điều quyết định nhưng giờ đây còn cả các tiện ích khác nữa. Nhóm đối tượng này không có nhiều tiền để có thể dễ dàng chuyển đổi căn hộ nên họ phải tính toán và cân nhắc khá kỹ trước khi mua. Nhà tái định cư, thu nhập thấp... thì thiếu cơ sở hạ tầng, không thuận tiện về giao thông. Nhà chung cư cũ thì lại “xập xệ”, xuống cấp. Còn những nhà chung cư thương mại giá rẻ thì đa phần đang ở giai đoạn triển khai dự án, có nơi mới xây xong phần móng, có nơi đang GPMB. Thêm vào đó, người dân mất “niềm tin” vào các chủ dự án do tình trạng: Tiến độ thi công chậm, không đúng cam kết của chủ đầu tư hay chủ đầu tư sử dụng vốn góp sai mục đích, không chịu triển khai dự án.
Riêng “sản phẩm” chung cư mi ni, có nhiều điều thuận lợi hơn nhưng luật vẫn còn “bỏ ngỏ” khiến vấn đề pháp lý đến quyền sở hữu nhà của người dân bị “hạn chế” và còn nhiều bất cập. Hơn nữa, chưa có quy định về việc quản lý loại chung cư này. Điều đó khiến cho chất lượng sống tại chung cư chưa được tốt.
Đó là những lựa chọn của người có thu nhập trung bình, thấp. Nhưng dường như đều chưa thực sự “hấp dẫn” họ bởi một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, với giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng thì nếu gửi tiết kiệm họ sẽ nhận được khoảng hơn 7 triệu đồng/ tháng tiền lãi (tương đương lãi suất 7,5%/năm). Số tiền này đủ để họ có thể thuê một căn hộ tập thể hoặc chung cư mini ở trung tâm TP.
Thứ hai, thị trường BĐS “đóng băng” sẽ là cơ hội cho họ có thể tìm mua một căn hộ chung cư với giá khoảng 2 – 3 tỷ đồng. Người có nhu cầu có thể “chờ đợi” và tích góp thêm trong 1 – 2 năm nữa.
Thứ ba, nhà tập thể cũ không còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hơn nữa, họ cũng khó có cơ hội để chuyển đổi bởi giá nhà chung cư sẽ giảm dần, trong khi nhà tập thể ngày càng “già cỗi”. Việc cải tạo và xây lại sẽ vẫn là một “giấc mơ” xa vời đối với các khu nhà này.
Có thể thấy, nhà ở cho những người có thu nhập trung bình trở xuống vẫn là vấn đề nan giải. Nhu cầu của người dân thì khá nhiều nhưng nguồn cung lại “hạn chế”, trong khi đó thị trường BĐS lại đang “đóng băng”. Đây quả là một “nghịch lý”. Nó xuất phát từ sự phân bổ, xác định nhu cầu của giới đầu tư BĐS. Họ tập trung quá nhiều vào phân khúc “cao siêu” mà “bỏ quên” nhóm khách hàng tiềm năng ở phân khúc thấp hơn. Hơn nữa, họ đã tạo hình ảnh “xấu” trong mắt khách hàng khiến cho những dự án “rồng phượng” không còn gây hứng thú và hấp dẫn người mua.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật và xã hội