Người nghèo đã có thể mở cửa giấc mơ

Cập nhật 03/02/2012 09:50

Xây nhà cho người thu nhập thấp là 1 trong 4 chương trình phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ. Sau hơn 2 năm thực hiện một số thành phố đã có sản phẩm, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người nghèo tại các đô thị.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thiếu nhà không chỉ xảy ra tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, mà hầu như tất cả các đô thị trên cả nước. Để thực hiện được chiến lược về nhà ở xã hội, ngoài việc Chính phủ tạo cơ chế, thì mỗi địa phương cần có những giải pháp cụ thể.

600 căn hộ nhu thập thấp tại thành phố Thanh Hoá vừa được đưa vào sử dụng đầu tháng 1/2012. Ban đầu chủ đầu tư dự định xây khoảng 1/3 số căn hộ. Tuy nhiên, kết quả lấy ý kiến của người dân cho thấy, nhu cầu về nhà ở tại đây lên đến hơn 1.200 căn.

Ông Lê Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP đầu tư và xây dựng HUD4 cho biết: “Chúng tôi có đề xuất với UBND tỉnh là làm sao tạo điều kiện cho giá thành cỡ khoảng từ 6,6 triệu đến 7 triệu/mét vuông thì mới kéo được người dân vào ở và khi người dân vào ở nhà chung cư thì mới tạo thành một nếp sống văn minh đô thị”.

Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Dự án xây nhà cho người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trong lúc nhiều dự án nhà thu nhập thấp ở các địa phương khác khó tiếp cận nguồn vốn này, UBND tỉnh Thanh Hoá đã đưa ra giải pháp, nếu dự án không vay được vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tỉnh sẽ bù một nửa lãi suất mà dự án vay từ ngân hàng thương mại.

“Nếu như tỉnh không tạo điều kiện thì quả thực doanh nghiệp rất khó khăn và cũng không biết là dự án có thành công như hôm nay hay không. Chắc chắn vẫn làm, nhưng sẽ mất thời gian hơn rất nhiều. Mất thời gian thì kéo theo sự trượt giá”, ông Lê Quang Hiệp nói.

Cả nước đã có 6 tỉnh, thành phố tham gia vào chương trình xây nhà thu nhập thấp. Một số địa phương có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng còn nhiều địa phương doanh nghiệp đang tự xoay trong khó khăn.

Theo ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Rất cần thiết phải có cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương mà trước hết Hà Nội, TP.HCM và những thành phố lớn, những nơi đang bức xúc về nhà ở xã hội thì phải có cơ chế rất cụ thể và sự quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền địa phương vào cuộc thì mới có thể thực hiện được chiến lược về nhà ở”.

Ngoài việc chủ đầu tư được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thì đầu ra của sản phẩm người dân mua nhà đã được các ngân hàng hỗ trợ về vốn vay. Bên cạnh đó đã được UBND tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án này là 100%.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV