Người mua nhà mệt mỏi vì dự án đắp chiếu

Cập nhật 07/03/2017 10:30

Lại thêm một dự án nữa ở quận Tân Phú, TPHCM bị khách hàng lên tiếng đòi nhà, trong khi vụ lùm xùm yêu cầu mở thủ tục phá sản tại dự án PetroVietnam Landmark tại quận 2 chưa kịp lắng xuống.

Dự án 584 Lilama SHB Building đã ngưng trệ nhiều năm liền. Ảnh: Cao Ban

Mỗi dự án mỗi hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là: người mua nhà nhiều lần kiện cáo chủ đầu tư, đòi bàn giao căn hộ hoặc trả lại tiền đã đóng nhưng các doanh nghiệp vẫn án binh bất động.

Nhà xây mãi không xong!

Cuối tuần rồi, khoảng 60 khách hàng mua căn hộ của dự án 584 Lilama SHB Building (quận Tân Phú) tiếp tục phản ánh với báo chí về việc chủ đầu tư không bàn giao nhà dù đã quá thời hạn 6 năm.

Ông N. (huyện Bình Chánh), cho biết năm 2009 ông bỏ ra 635 triệu đồng mua căn hộ thuộc dự án này do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Lilama SHB hợp tác đầu tư. Sau khi thanh toán 50% giá trị hợp đồng thì dự án bị ngưng cho tới nay.

Ông N. cho biết, vào tháng 5-2013, Công ty Lilama SHB ký biên bản bàn giao dự án về cho Công ty 584. Theo biên bản này, một khối nhà đã xây dựng đến tầng 15, khối còn lại xây đến tầng 7 (quy mô được duyệt là 418 căn hộ), hiện đã bán được 347 căn hộ với tổng số tiền gần 282 tỉ đồng, đã thu 150 tỉ đồng.

Năm 2014, Công ty 584 tổ chức hội nghị khách hàng và đưa ra hai hướng giải quyết: khách hàng nhận lại tiền đã đóng từ công ty trong vòng 6 tháng, hoặc tiếp tục nhận nhà với điều kiện phải thanh lý hợp đồng với Công ty Lilama SHB.

Tuy nhiên cho tới nay, chủ đầu tư chỉ trả lại tiền cho khách hàng một đợt rồi ngưng, đồng thời không tiến hành ký hợp đồng cho những trường hợp đợi nhận nhà. Dự án này hiện đã nằm im nhiều năm liền.

Ông N., người chọn phương án nhận lại số tiền đã nộp, mới chỉ nhận được 50 triệu đồng từ Công ty 584. “Tôi đã kiện ra tòa, hiện tòa đã có bản án phúc thẩm, yêu cầu Công ty 584 trả lại tiền cho tôi, nhưng phía công ty này vẫn chưa có động tĩnh gì”, ông N. cho biết.

Một dự án khác của Công ty 584 là chung cư 584 Tân Kiên (Bình Chánh, TPHCM) cũng không được hoàn thành đúng tiến độ để bàn giao nhà cho khách hàng. Ông T., một khách hàng mua căn hộ tại dự án này cho biết, dự án này gồm 114 nền nhà, hai khối chung cư. Khối B có 532 căn hộ, đã được nghiệm thu và bàn giao cho khách hàng từ cuối tháng 3-2011. Khối A gồm 420 căn hộ, sau khi hoàn thành hơn 80% đến nay cũng ngưng xây dựng, trong khi đó khách hàng đã thanh toán 80-90% giá trị hợp đồng.

“Chủ đầu tư giao nhà ở tạm cho chúng tôi (khoảng 50 khách hàng). Dù vậy, chúng tôi như ngồi trên đống lửa vì ở căn hộ không có giấy tờ gì. Thỉnh thoảng, người của ngân hàng còn đến niêm phong căn hộ vì dự án này đã được Công ty 584 đem thế chấp ngân hàng”, ông T. kể.

Không chỉ dự án các dự án của Công ty 584 ngưng trệ, mới đây dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TPHCM) của Công ty PVCLand cũng bị người mua nhà kiện cáo vì chậm giao nhà nhiều năm liền. Bà Trần Thị Châu Giang, một người mua nhà, đã trực tiếp nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với PVC Land sau nhiều lần thỏa thuận không thành và chờ đợi mòn mỏi.

Tòa án Nhân dân TPHCM sau đó đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVCLand. Hiện nhiều người mua nhà đã thanh toán tới 80-90% giá trị căn hộ đang lo ngại sẽ mất nhà nếu công ty này phá sản.

Rơi vào thế yếu

Để đối phó với những chủ đầu tư chây ì, không chịu bàn giao nhà cho khách hàng, giới chuyên gia cho rằng việc yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản là cần thiết dù cho việc này không hoàn toàn phục hồi tài sản cho người mua nhà.

Một luật sư chuyên về địa ốc cho rằng, việc mở thủ tục phá sản giúp sớm xử lý những doanh nghiệp yếu kém, thu hồi nợ, tránh việc doanh nghiệp ôm hết thông tin và tẩu tán tài sản. Tuy nhiên, nếu phá sản thì doanh nghiệp sẽ phải thanh toán nhiều khoản chi phí như: chi phí phá sản, lương của người lao động, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước… rồi sau đó mới đến các khoản nợ của khách hàng.

Theo ông, khách hàng mua nhà có tên trong danh sách chủ nợ được xem là chủ nợ không có bảo đảm, được thanh toán nợ từ tiền thu được sau khi thanh lý bán đấu giá tài sản. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán toàn bộ số nợ thì khách hàng sẽ được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Chỉ có điều, các dự án bất động sản kể trên đều có trước khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (có hiệu lực từ 1-7-2015) và Thông tư số 07/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về bảo lãnh nhà ở dự án ra đời. Điều này khiến người mua nhà gặp nhiều rủi ro nếu chủ đầu tư phá sản.

Theo quy định, doanh nghiệp bất động sản phải được ngân hàng bảo lãnh khi bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai nhằm đề phòng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ cam kết với khách hàng. Nếu sau khi ký hợp đồng mua bán và huy động vốn từ khách hàng, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết giao nhà thì ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà khách hàng đã nộp.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có chủ đầu tư phớt lờ quy định này, chưa có bảo lãnh nhưng vẫn thản nhiên chào bán trên thị trường. Một số chủ đầu tư vừa bán hàng vừa thông báo là đang thỏa thuận với ngân hàng bảo lãnh, thậm chí còn đưa ra giấy cam kết chấp thuận bảo lãnh của ngân hàng, nhưng sau đó khách hàng mới phát hiện ra chủ đầu tư không hề có giấy bảo lãnh như giới thiệu.

Luật đã có, vấn đề còn lại là sự giám sát của cơ quan chức năng, cộng với sự tỉnh táo của người mua nhà trước khi xuống tiền mua căn hộ.

Không ai nghĩ mình bỏ tiền tỉ ra mua nhà để rồi phải mệt mỏi chờ đợi. Vẫn biết luật pháp đang từng bước hoàn thiện, nhưng người mua nhà thường rơi vào thế yếu trước những dự án xây hoài không xong. Giá như họ có trong tay chứng thư bảo lãnh ngân hàng khi ký hợp đồng mua nhà thì ít nhiều cũng an tâm hơn với số tiền đã lỡ đóng cho chủ đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG