Người mua nhà được tiếp sức trong năm mới

Cập nhật 26/01/2022 15:08

Các chuyên gia cho rằng chính sách cho vay cần đúng đối tượng, dễ tiếp cận với người mua nhà, xây nhà.

Từ tháng 1-2022, một số chính sách mới về nhà ở thay đổi, người mua nhà, xây nhà có thêm nhiều trợ lực như vay lãi suất ưu đãi, thời hạn cho vay kéo dài. Đây được xem là động thái tiếp sức cho người mua nhà trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn kéo dài.

Bơm động lực cho người mua nhà

Từ ngày 20-1, Thông tư 20/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung Thông tư 25/2015 chính thức có hiệu lực với nhiều điều chỉnh liên quan đến chính sách vay vốn để xây dựng mới, sửa chữa nhà ở xã hội.

Theo đó, thông tư quy định khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Trong khi đó, trước kia Thông tư 25 không ấn định mức vay tối đa của khách hàng khi có nhu cầu vay để xây mới, sửa chữa nhà ở.

Được vay đến 25 năm để xây mới nhà ở là một trong những quy định mới của Thông tư 20 được nhiều người dân quan tâm. Khách hàng được vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở với thời hạn theo thỏa thuận với ngân hàng nhưng tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trước kia, quy định thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm, không quy định thời hạn vay tối đa.

Liên quan đến lãi suất cho vay, Thông tư 20 cũng làm rõ quy định không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ, thay vì chỉ quy định không quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ của thông tư trước.

Ngoài ra, NHNN vừa qua cũng đưa ra Quyết định 1956 ấn định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà theo Thông tư 11/2013 là 4,8%/năm. Đối tượng được vay vốn từ các ngân hàng thương mại và hưởng mức lãi suất như trên là người mua nhà ở xã hội, người thu nhập thấp.

Anh Nguyễn Anh Dũng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết ngôi nhà của anh xuống cấp nhiều năm nay nhưng anh chưa đủ tài chính để xây mới. Chính sách kéo dài thời gian cho vay tới 25 năm sẽ giảm bớt áp lực cho người dân.

“Khoản vay 500 triệu đồng là khá lớn, nếu trước đây rất khó vay được số tiền nhiều như vậy. Mức lãi suất không quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại cũng quá tốt cho người dân vay để xây mới nhà ở” - anh Dũng chia sẻ.

Năm 2022, người mua nhà, xây nhà được trợ lực rất nhiều cho giấc mơ an cư. Ảnh: MINH LONG

Cần công khai, dễ tiếp cận

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, đánh giá cao chính sách hỗ trợ vay, lãi suất ưu đãi cho người mua nhà, xây nhà. Những chính sách trên tạo động lực, hỗ trợ người dân an cư.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng các điều kiện được vay, ưu tiên, ưu đãi, thủ tục cho vay cần công khai, minh bạch, trong bối cảnh số hóa đây là điều dễ dàng triển khai thực hiện. Trước đây cũng có gói hỗ trợ người mua nhà, xây nhà nhưng thực tế người dân lại phản ánh họ ít tiếp cận được. Vì vậy, lần này cần công khai, minh bạch điều kiện, thủ tục cho vay trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng của các đơn vị triển khai gói hỗ trợ.

“Khi đó, người dân có thể dễ dàng tra cứu xem mình có phải là đối tượng được hỗ trợ vay mua nhà, xây nhà hay không, điều kiện, thủ tục ra sao, thời gian trả lời… Nếu hết thời gian trên không được phản hồi thì người dân có thể gửi ý kiến đến cấp có thẩm quyền” - ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền rộng rãi để nhiều người dân có thể tiếp cận, hưởng lợi, không để những người không thuộc đối tượng hưởng ưu đãi lợi dụng chính sách để trục lợi.

Một điểm “thiếu sót” trong Thông tư 20 được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ ra là đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội kể từ ngày 20-1 sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ còn được vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Nếu hộ gia đình, cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng phải thực hiện gửi tiết kiệm nhà ở xã hội. Trong khi các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đã thực hiện rất tốt việc cho hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội trong 15 năm qua.

Theo ông Châu, quy định này gây thiệt thòi cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội. Thực tiễn hơn 15 năm qua đã chứng minh các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đều thực hiện rất tốt, hiệu quả việc cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở. Trong đó bao gồm cả việc thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2013-2016 các ngân hàng thương mại đã làm rất tốt.

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong năm 2022, 2023

Đây là chính sách đáng chú ý tại Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021).

Đồng thời tăng hạn mức bảo lãnh chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38.400 tỉ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; hỗ trợ cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội... Chính sách này sẽ được áp dụng cho năm ngân sách 2022 và 2023.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO