Kết quả điều tra của Sở LĐTB - XH Hà Nội tại 5 quận, huyện bị thu hồi nhiều đất (Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên) cho thấy, trong tổng số các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp có 1.223 hộ nghèo với 4.389 nhân khẩu.
Tỉ lệ không tìm được việc làm theo nghề được học chiếm 41%... Đề án "Một số giải pháp hỗ trợ đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp" được HĐND TP.Hà Nội thông qua hôm 17.4 đã đưa ra một số giải pháp với mục tiêu để người dân có điều kiện ổn định cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất.
Mỗi năm thu hồi gần 1.000ha
Trong 8 năm qua, TP.Hà Nội đã triển khai 2.818 dự án đầu tư liên quan đến thu hồi đất, bình quân trên 300 dự án/năm. Bình quân một năm, TP GPMB gần 1.000ha, trong đó trên 80% là đất nông nghiệp, liên quan đến 178.205 hộ dân và bố trí tái định cư cho 13.044 hộ.
Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, các cơ chế chính sách của T.Ư và TP về hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người dân nông nghiệp bị thu hồi đất chưa đồng bộ và hiệu quả, dẫn tới nguy cơ về mất việc làm, thất nghiệp rất lớn. Một bộ phận hộ gia đình nông dân sau khi bị thu hồi đất trên 30% đã trở thành hộ nghèo.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ mới quan tâm đến thiệt hại vật chất và được chi trả trực tiếp cho người dân, khiến người dân sử dụng khoản tiền này chưa hợp lý, ít quan tâm đến học nghề, chuyển đổi nghề và việc làm để đảm bảo ổn định cuộc sống khi Nhà nước thu hồi đất.
Kết quả điều tra của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho thấy, người dân được đền bù sử dụng số tiền để xây nhà chiếm 57,5%; mua đồ dùng 8,72%; đầu tư cho sản xuất phi nông nghiệp 1,27%; gửi tiết kiệm 18% và học nghề 2,55%.
4 giải pháp hỗ trợ
Trước thực trạng đó, TP.Hà Nội đã đưa ra 4 giải pháp thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế đi liền với chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển nông thôn, ổn định đời sống cho nhân dân vùng thu hồi đất.
Giải pháp đầu tiên được đưa ra là việc thành lập Quỹ Hỗ trợ ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP.
Theo đó, ngân sách TP cấp ban đầu là 50 tỉ đồng; trích 50% nguồn kinh phí hỗ trợ của các nhà đầu tư cho TP khi được giao đất; kêu gọi, vận động đóng góp của chủ đầu tư được giao đất sản xuất kinh doanh, dịch vụ...
Theo đó, TP hỗ trợ trong 3 năm tiền học phí và tiền đóng góp cơ sở vật chất trường học cho học sinh ở độ tuổi phổ cập phổ thông ; hỗ trợ 100% kinh phí bảo hiểm y tế cho người trên 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi với nữ; trợ cấp khó khăn cho người già, cô đơn có hoàn cảnh đặc biệt, mức tương đương 30kg gạo/người/tháng.
Ngoài ra, TP sẽ hỗ trợ học nghề một lần kinh phí đào tạo một nghề cho người trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề bằng hình thức cấp thẻ học nghề, nhưng không chi trực tiếp cho người học, với mức tối đa không quá 6 triệu đồng/thẻ.
Các giải pháp còn lại được UBND TP thực hiện là: Xây dựng, ban hành quy chế ưu tiên đấu thầu kinh doanh dịch vụ tại các khu đô thị, KCN dịch vụ mới hình thành; xã hội hoá các hoạt động dịch vụ tại các khu đô thị và KCN khi xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi được tham gia kinh doanh, ưu tiên cho lao động trong các hộ bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp được giao; có cơ chế về đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn tại các khu vực thu hồi nhiều đất nông nghiệp (trên 30%) để tạo điều kiện kinh doanh dịch vụ, phục vụ các khu công nghiệp, đô thị, giải quyết việc làm tại chỗ, đồng thời đảm bảo sự gắn kết hạ tầng của khu đô thị và công nghiệp hiện đại với vùng dân cư cũ (thôn, xã, tổ dân phố, phường).