Người dân Thủ Thiêm đề nghị hoán đổi đất bị cưỡng chế

Cập nhật 09/06/2018 08:40

Ngày 8.6, tại TP.HCM, UBND TP cùng Ban Tiếp công dân T.Ư (Thanh tra Chính phủ) làm việc với 7 hộ dân đại diện cho 31 hộ liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Quang cảnh buổi làm việc. ẢNH: TRUNG HIẾU

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Lung, đại diện 31 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án, cho hay sau khi người dân Thủ Thiêm tố cáo, Kết luận 561 về đối thoại năm 2009 của UBND TP và sau đó ra thông báo thừa nhận khu vực thu hồi đất của “nhóm ông Lung” nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng không có nghĩa nằm ngoài ranh thu hồi. Theo ông Lung, trả lời này của UBND TP thời kỳ đó “có dấu hiệu cố ý làm sai”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi các sở ngành, UBND Q.2 tiến hành cưỡng chế, phá dỡ nhà của người dân và là lý do khiến người dân khiếu kiện, tố cáo kéo dài. Ông Lung đề nghị Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện các dự án ở Thủ Thiêm.
Ông Lung nói: “Chúng tôi có thiện chí đề nghị lãnh đạo UBND TP giải quyết cho người dân bằng cách hoán đổi đất của những hộ bị cưỡng chế, những hộ chưa bị cưỡng chế nhưng đã có quyết định cưỡng chế”. Ông cũng cho biết số hộ chưa bị cưỡng chế mà ông đề nghị hoán đổi này chừng 20 - 30 căn nhà nằm theo kiểu “da beo”. TP nên gom những căn nhà này về một khu đất “có giá trị ngang miếng đất cũ”. Đây là cách làm nhằm chia sẻ, khắc phục những hậu quả mà trước đó đã gây ra.

Bà Nguyễn Thị Hà, ở KP.1, P.Bình An, yêu cầu cần duy trì hệ thống điện thắp sáng trong nhà, ngoài đường khu vực người dân ở trong khu vực cưỡng chế tránh tình trạng cướp giật, xì ke quanh quẩn nhà người dân. Bà Hà nói dường như chính quyền TP không màng tới cuộc sống người dân Thủ Thiêm còn đang ở lại.

Trả lời Thanh Niên sau buổi làm việc, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết khu đất mà bà con đề nghị rộng 4,3 ha nằm ở KP.1, P.Bình An, theo quy hoạch sẽ mở đại lộ lớn nên việc hoán đổi đất với một số lượng lớn hộ dân như vậy sẽ rất khó. “Chúng tôi sẽ tính toán bố trí cho bà con ở xung quanh những phường này. Tuy nhiên đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi chứ còn muốn làm phải tính toán kỹ”, ông Mạng nói.

Nhiều người dân bị ảnh hưởng đến nơi tiếp dân nhưng không vào được vì không được mời. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nhiều vụ “nóng” ở TP.HCM liên quan đất đai

Ông Huỳnh Cách Mạng nhắc lại sau kỳ họp Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân sẽ tiếp xúc người dân Thủ Thiêm. Ông bày tỏ những lãnh đạo sau này chịu nhiều thách thức, áp lực khi liên tục phải xử lý những câu chuyện của 15 - 20 năm trước không chỉ riêng ở Thủ Thiêm mà còn ở các dự án: Khu công nghệ cao Q.9, khu Safari ở H.Củ Chi, dự án Sing - Việt ở H.Bình Chánh. Lãnh đạo TP sẽ cố gắng hết mình, tiếp nhận xử lý những quyền lợi, những điều chưa hợp lý ở những dự án trên. Với những yêu cầu của người dân Thủ Thiêm như lập đoàn thanh tra liên ngành, giải quyết cuộc sống tốt hơn cho người dân khu 43 ha, quan tâm vấn đề an cư đối với các hộ nghèo, hộ nhận tiền nhưng không đủ tiền mua chung cư, sau cuộc họp này UBND TP sẽ tích cực làm việc, phân loại để đi vào cụ thể từng trường hợp.

Cuối buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư, nêu ý kiến vừa qua ông đã thông báo cho bà con ý kiến kết luận chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó có việc Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện kết luận chỉ đạo 2 công văn trước đây. Thủ tướng rất muốn giải quyết sớm khiếu nại cho người dân. Tuy nhiên, do có nhiều vấn đề phát sinh cần nhiều lần xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chưa kể đây là vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều hồ sơ, tài liệu, cấp ngành nên cần thận trọng trong xử lý.

Báo cáo Thủ tướng trước ngày 15.7

Mở đầu buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Hồng Điệp thông báo kết luận của Thủ tướng trong cuộc họp ngày 15.5 vừa qua. Theo đó, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về việc thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, đề xuất biện pháp giải quyết… Phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 15.7.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên