Luật sư cho rằng, có nhiều dấu hiệu bất thường, “đánh tráo khái niệm”, thiếu chứng cứ nhưng UBND TP Hạ Long vẫn hợp thức hóa để ra quyết định thu hồi, cưỡng chế đất đai gây thiệt hại cho người dân.
Liên quan đến vụ người dân Quảng Ninh họp báo làm rõ việc thu hồi đất, PV VTC News phỏng vấn Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình ông Vũ Bá Quang - một trong 28 hộ dân sinh sống tại Tổ 30, khu 4A phường Hà Phong (Hạ Long, Quảng Ninh) bị thu hồi đất.
Không đồng tình với cách thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, "bảo vệ mặt bằng" của chính quyền địa phương và phán quyết của tòa án, gia đình ông Quang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại và giải quyết quyền lợi.
Luật sư Phạm Ngọc Minh (đứng), cùng ông Vũ Bá Quy (bố anh Vũ Bá Quang) trong buổi họp báo thông tin về vụ cưỡng chế.
|
Bức xúc trong thu hồi đất
Luật sư Phạm Ngọc Minh cho biết, UBND TP Hạ Long thu hồi đất của 28 hộ dân sinh sống tại Tổ 30, khu 4A phường Hà Phong, trong đó có hộ ông Quang là căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai: “Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người”.
Tuy nhiên, luật sư Minh cho rằng, việc áp dụng quy định này để thu hồi đất không chính xác. Hiểu theo đúng tinh thần của điều luật, thì:
Một là, đối tượng đất thu hồi phải là đất ở. Các loại đất khác không phải là đất ở không thuộc đối tượng thu hồi của quy định này. Thế nhưng, hộ ông Quang đã bị thu hồi cả 324 m2 đất đất trồng cây lâu năm (ký hiệu CLN), được đền bù bằng đúng giá đất nông nghiệp.
Hai là, đất sạt lở, sụt lún bị thu hồi phải có nguyên do từ thiên tai. Vào tháng 7/2015, tại tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong có xảy sạt lở, sụt lún đất. Thế nhưng cơ quan chức năng đã kết luận rõ, nguyên nhân do Công ty Cổ phần Than Hà Tu (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) vi phạm quy định về xây dựng, môi trường, mà không phải do thiên tai gây ra.
Khu vực Công ty Than Hà Tu làm sạt lở, gây ra 'khe nước' (khu vực khoang tròn) chảy xuống phía trước nhà ông Quang cách đó vài chục mét.
|
Năm 2016, Công ty Than Hà Tu đã phải bồi thường, hỗ trợ 14 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, sụt lún. Họ cũng đã phải khắc phục sự cố bằng cách xây dựng các bờ kè kiên cố. Từ đó tới nay, hiện tượng sạt lở, sụt lún không còn.
Ba là, việc sụt lún, sạt lở đất phải đến mức đe dọa tính mạng của con người. Việc xác định mức độ sạt lở, sụt lún nguy hiểm đến mức đe dọa tính mạng con người thì cũng phải có căn cứ xác thực, phải dựa trên các số liệu kỹ thuật cụ thể.
Thế nhưng, Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long không có bất cứ số liệu thuyết phục nào. Hồ sơ, tài liệu do UBND TP Hạ Long cung cấp, không có số liệu nào thể hiện việc sụt lún, sạt lở là thường xuyên, nghiêm trọng.
Để lấp “kẽ hở” này, ngày 7/6 và 27/7/2017, Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long mở 2 cuộc họp lấy ý kiến của một số cơ quan liên quan, gồm Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hạ Long, Phòng Tài nguyên Môi trường, UBND phường Hà Phong, Công ty Than Hà Tu đưa đến kết luận: Tổ 30, khu 4A là khu vực nguy hiểm, phải di dời mặc dù các cơ quan này không đưa ra bằng chứng thuyết phục nào.
"Thực tế, sau buổi họp báo ngày 14/12/2018, các nhà báo đã tới thực địa thì thấy rằng, khu đất cũ của ông Quang ở trên cao, không thể sụt lún, sạt lở được. Vậy thì, chúng tôi cho rằng đã có sự “đánh tráo khái niệm”.
Ở đây không thể áp dụng quy định của điểm e khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai để thu hồi đất trong trường hợp này", luật sư Phạm Ngọc Minh nêu quan điểm.
Hiện trường ngôi nhà kiểu dáng biệt thự của gia đình ông Quang nằm trên cao, đã bị phá dỡ từ hơn 1 năm về trước.
|
Dự án xã hội hay dự án kinh tế?
Theo quan điểm của luật sư Phạm Ngọc Minh, thông thường, một dự án được chấp thuận triển khai phải đảm bảo hài hòa các mục đích kinh tế, mục tiêu xã hội và lợi ích công cộng. Nếu một dự án được công bố vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phải làm rõ lợi ích của người dân, lợi ích công cộng ở đây như thế nào.
Luật đất đai quy định rõ, trường hợp nhà nước định thu hồi đất vì lợi ích công cộng, thì HĐND cấp tỉnh phải được biết và thông qua. Còn nếu xác định dự án thuần túy kinh tế, hoặc mục tiêu kinh tế nhiều hơn, HĐND cấp tỉnh không thông qua, thì doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với dân.
"Trong trường hợp dự án thu hồi đất tại phường Hà Phong, chúng ta thấy rằng, các vấn đề này rất mập mờ", luật sư Minh nhận định.
Công ty Than Hà Tu bỏ ra nhiều chục tỉ đồng nhưng họ cho rằng “chi trả bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân chỉ là thực hiện theo đề án di dân của tỉnh Quảng Ninh và không có quyền lợi liên quan gì” là rất khó thuyết phục.
Cần thấy rõ rằng, Công ty Than Hà Tu là công ty cổ phần, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, vì mục tiêu lợi nhuận. Công ty này không còn là doanh nghiệp nhà nước (phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), cũng không phải doanh nghiệp xã hội theo Luật Doanh nghiệp (hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng).
Vậy thì, công ty này không chịu sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hay UBND tỉnh Quảng Ninh, cũng không có trách nhiệm giải quyết vấn đề xã hội.
Một câu hỏi nữa đặt ra, kết quả kinh doanh 3 năm gần đây mà doanh nghiệp này (mã chứng khoán THT) công bố: thể hiện lợi nhuận từ 30 đến 35 tỷ đồng/năm. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng các cổ đông của Công ty Than Hà Tu có chấp nhận để những người quản lý doanh nghiệp này chi ra số tiền gần 40 tỷ đồng - lớn hơn lợi nhuận hàng năm của Công ty vì “trách nhiệm giải quyết vấn đề xã hội” hay không?
Công văn số 5114/TKV-MT ngày 25/10/2016 của TKV về việc thực hiện Đề án di dân tổng thể tỉnh Quảng Ninh ghi nhận nội dung: “Phối hợp với chính quyền địa phương và Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh Quảng Ninh tổ chức kiểm đếm, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định của nhà nước.
Tổ chức thực hiện di dời dân cư theo phương án được duyệt, trong đó ưu tiên thực hiện khu vực có nguy cơ mất an toàn cao trước. Sau khi di dân xong, làm các thủ tục thuê lại diện tích đất đã được di dời để quản lý và sử dụng hiệu quả, tránh tái lấn chiếm”. Nội dung của công văn này đã thể hiện rất rõ chủ sử dụng mới của khu đất là Công ty Than Hà Tu.
"Nếu đã là dự án kinh tế, Công ty Than Hà Tu cần “sòng phẳng” với người dân. Doanh nghiệp phát triển bền vững cần xuất phát từ hoạt động kinh doanh tử tế, mình có lợi thì đừng để cho người khác bị thiệt'', luật sư nêu quan điểm.
Từ trên nền nhà ông Quang nhìn xuống phía trước là suối Lộ Phong.
|
Thiếu chứng cứ thuyết phục?
Luật sư Phạm Ngọc Minh cho biết, trong hồ sơ vụ án có một số tài liệu có nhắc đến “Suối Lộ Phong” và đây được coi là nguồn nguy hiểm, gây ra sạt lở, sụt lún. Thế nhưng, hiện tại không thấy bất cứ số liệu, hình ảnh nào chứng minh về sự nguy hiểm của con suối này. Ngoài suối Lộ Phong, cạnh nhà ông Quang có khe nhỏ bắt nguồn từ đỉnh đồi.
Quy luật “nước chảy chỗ trũng”, nhưng thực tế, ngày 14/12/2018, các phóng viên đã vào hiện trường thì thấy rằng, mặc dù tại Hạ Long suốt một tuần qua có mưa, nhưng nước tại con suối Lộ Phong này rất ít, hiền hòa và nằm ở phía dưới các thửa đất của các hộ dân bị thu hồi tới hàng chục mét, đã có kè chắn, không thể gây nguy hiểm cho hộ dân. Nếu ngập lụt, công trường khai thác than của Công ty Than Hà Tu sẽ bị ảnh hưởng trước.
Vào ngày 5/10/2018, TAND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện việc thẩm định tại chỗ thửa đất của hộ ông Quang. Biên bản ghi nhận: “Từ trên đồi của đường công vụ (của Công ty Than Hà Tu) phía tây nhà ông Quang có khe nước khi mưa sẽ chảy xuống, khe giáp nhà ông Quang”.
Hồ sơ vụ án không có tài liệu nào về sự “nguy hiểm” của con suối hay số liệu về thiệt hại gây ra từ Suối Lộ Phong gây ra.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Quảng Ninh khi xét xử sơ thẩm nhận định: "Đã kiểm tra xác định khu vực này thuộc vị trí chân đồi và giáp với suối Lộ Phong, khi mưa lớn, nước suối dâng cao kết hợp với nước từ thượng nguồn qua các khe tụ thủy đổ xuống khu dân cư phía dưới kéo theo đất bùn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Hiện tại đã có một số hộ dân bị đất đá sạt từ trên xuống làm hỏng nhà ở…” là phiến diện, thiếu khách quan.
"Vậy là, từ những chứng cứ rõ ràng thiệt hại của hộ dân là do việc vi phạm pháp luật xây dựng của Công ty Than Hà Tu, thì việc “đổ lỗi” lên Suối Lộ Phong là để hợp pháp hóa việc thu hồi đất tại tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong là không chấp nhận được", luật sư Minh nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Ngọc Minh cho biết thêm, mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm, ông Minh cũng đã đưa ra các dấu hiệu bất thường nêu trên, tuy nhiên, TAND tỉnh Quảng Ninh vẫn tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Bá Quang.
Chiều 18/12, trả lời PV VTC News về việc này, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo, khi gia đình ông Quang đã lựa chọn phương án khởi kiện ra tòa hành chính, nếu không chấp nhận với phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm, gia đình ông Quang có quyền khiếu nại lên tòa cấp cao xem xét, giải quyết.
Đến thời điểm này, vụ việc không thể giải quyết theo "con đường" hành chính khi đã có phán quyết của tòa án. Các bên liên quan đều phải tuân thủ phán quyết của tòa án khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Diaoconline.vn – Theo VTC News