Người dân mòn mỏi chờ sổ hồng

Cập nhật 09/11/2018 09:56

Nhiều người mua chung cư tại TP HCM liên tục than thở về việc lỡ lâm vào tình trạng bán không được, ở thì lo lắng do không có một mảnh giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để lận lưng. Và hàng trăm dự án bất động sản đã vướng vào “vấn nạn” này khi chủ đầu tư đem cầm cố giấy chứng nhận để vay vốn hoạt động...

Người mua nhà cần tìm hiểu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ.

Nhà mua như nhà thuê

Hiện nay, nhiều chung cư trên địa bàn TP HCM vẫn “bặt vô âm tín” với sổ hồng. Điển hình như chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức), chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú), Long Phụng Residence (quận Tân Bình),...  Bà Trần Thị Gia Lộc, cư dân chung cư Phú Thạnh (đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú) phân trần: “Về sống ở chung cư 7 năm nay, giờ tôi vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu”. Theo cư dân của chung cư Phú Thạnh, ở đây gần chục năm nhưng đến nay họ vẫn mù tịt về thông tin làm giấy chứng nhận quyền sở hữu. Thường thì cứ nghe chủ đầu tư nói là sắp có, còn cụ thể ngày nào không ai biết.

Tương tự như khó khăn về giấy chứng nhận quyền sở hữu của căn hộ chung cư bị chủ đầu tư cầm cố, tình trạng ở chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức) cũng không khá hơn. Nhiều hộ dân vẫn chưa được khẳng định là chủ sở hữu. Một người dân sống ở chung cư Gia Phú chia sẻ: “Mang tiếng là có nhà nhưng không hơn đi ở trọ. Nghịch lý ở chỗ, mình sòng phẳng ngay từ đầu bằng cách đi vay mượn ngân hàng, vậy mà đến nay không rõ vấn đề sổ hồng như thế nào”.

Theo thống kê, tại quận Thủ Đức có 49/100 dự án nhà ở đã hoàn thành, trong đó có 15 dự án nhà ở và 8 dự án căn hộ chung đang được cấp sổ hồng một phần, còn lại chưa được cấp. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM thông tin, từ năm 2010 đến năm 2017, có hơn 800 dự án chung cư và đất nền, trong đó có trên 100 dự án chung cư có vấn đề khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân. Thường thì chủ đầu tư hay đem cầm cố giấy chứng nhận để vay mượn ngân hàng nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư.

Theo nhận định của giới kinh doanh và chuyên gia bất động sản, khách mua nhà không được cấp sổ hồng do chọn loại hình mua bán nhà hình thành trong tương lai, góp vốn…Tức là, chưa thực hiện dự án nhà đầu tư đã huy động vốn. Đã có tình trạng chủ đầu tư chung cư thế chấp dự án ở thời điểm trước khi bán hàng, thậm chí có chủ đầu tư liều lĩnh đến mức khi cư dân về ở rồi vẫn đem căn hộ đi thế chấp. Về phía người mua nhà, vì mong muốn sở hữu nhà ở nên họ không để ý đến yếu tố pháp lý, đến khi về ở một thời gian dài mà chưa có sổ hồng mới tá hỏa hỏi tới hỏi lui, trong khi chủ đầu tư liên tục hợp thức hóa việc chậm giao sổ hồng với hàng loạt lý do khác nhau.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bất động sản TP HCM (HoREA) nhìn nhận, tình trạng chủ đầu tư cầm cố dự án ở ngân hàng làm chậm giao sổ hồng cho người dân chỉ xuất hiện ở những dự án xây dựng theo Luật Nhà ở năm 2013, vì luật thiếu chặt chẽ. Gần đây không có những dự án bị vướng mắc như vậy, hoàn toàn an toàn với khách hàng. Yêu cầu hiện nay đòi hỏi dự án nhà ở phải có bảo lãnh của ngân hàng, hoặc vay vốn cũng phải có giấy tờ hợp lệ, ngân hàng cho thế chấp mới được thế chấp.

Dân không sai thì phải cấp sổ

Trước những lùm xùm về việc chủ đầu tư cầm cố dự án, khiến người dân chậm có sổ hồng, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, vấn đề này đã được lãnh đạo UBND TP HCM chú ý. UBND TP HCM hướng dẫn, nếu vì khó khăn về tài chính mà chủ đầu tư thực hiện huy động vốn không đúng, ảnh hưởng đến quyền sở hữu căn hộ người dân, là vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thế chấp dự án để huy động vốn cho hoạt động đầu tư hoàn toàn bình thường, nhưng quan trọng là khi nào giải chấp để có thể cấp giấy chứng nhận sở hữu cho người dân. Sở sẽ công khai những dự án thế chấp để người dân quyết định khi mua căn hộ chung cư.

Nhiều chung cư bị chủ đầu tư đem cầm cố ngân hàng.

Hướng dẫn người mua nhà tìm lại quyền lợi của mình, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch hội Luật Gia TP HCM chia sẻ, người mua nhà cần tìm hiểu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ. Liên quan đến vấn đề này, một số cơ quan quản lý nhà nước khẳng định, chủ đầu tư chậm làm sổ hồng thì người dân hoàn toàn có thể khởi kiện họ ra tòa.

Theo HoREA, nếu lỗi không phải do khách hàng thì cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải cấp sổ hồng cho cư dân sống ở dự án đó. Phần còn lại, chủ đầu tư và khách hàng tự tính với nhau. Cần thiết thì khởi kiện ra tòa vì chủ đầu tư hoàn toàn làm trái pháp luật, không thể cùng một dự án mà vừa đem đi thế chấp, vừa đem đi bán cho người khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết