Xuống cấp, mất an toàn, ô nhiễm môi trường, mất nước sinh hoạt, hệ thống điện, hệ thống PCCC bị tê liệt… là tình trạng phổ biến đã và đang “hoành hành” tại khu nhà tái định cư N03 – phường Láng Thượng. Theo thông tin phản ánh thì Tòa nhà N03 cũng chỉ vừa mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2014.
Tòa nhà tái định cư N03-P.Láng Thượng với 9 tầng và hơn 800 nhân khẩu đang sinh sống.
|
Công tác đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư luôn được Hà Nội xem là nhiệm vụ bức thiết, chú trọng ưu tiên nhằm đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi cho người dân khi nhà nước thu hồi đất.
Nhưng thực tế cho thấy, nhiều người dân đang rất thờ ơ với nhà ở tái định cư khi cả cơ quan quản lý đến các cấp chính quyền đều phải thừa nhận chất lượng nhà tái định cư vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đặc biệt, công tác quản lý, vận hành và sử dụng quỹ nhà này còn nhiều tồn tại, bất cập.
Liên tiếp xảy ra các sự cố gây mất an toàn
Tòa nhà N03 nằm cuối con ngõ 84 phố Chùa Láng thuộc phường Láng Thượng – quận Đống Đa là chung cư tái định cư 9 tầng với hơn 800 nhân khẩu dưới sự quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Dù mới được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2014, hiện vẫn trong thời gian bảo hành hạng mục công trình nhưng từ đầu năm đến nay, đã liên tiếp xảy ra nhiều lần thang máy hỏng, đỉnh điểm là vào đầu tháng 7 vừa qua, cả 2 thang máy đều hỏng và có hiện tượng lên xuống thất thường không kiểm soát gây nhiều khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Hai chiếc thang máy của tòa nhà đang nằm “ngủ sâu” không một tín hiệu.
|
Theo phản ánh của các hộ dân, Khi nhắc đến hai chữ "thang máy", người dân sống tại chung cư N03 nghĩ ngay đến những tiếng kêu kẽo kẹt, như cái lồng nhốt người...
Anh Nguyễn P bức xúc cho biết: “Tôi chưa từng sống ở nơi nào đáng sợ như ở đây. Hơn 10 ngày qua, 2 chiếc thang máy đã tạm dừng hoạt động không lý do. Gia đình tôi có cả trẻ con, người già, nhà thì ở tầng cao nhất nên việc đi lại rất khổ sở, sinh hoạt bất tiện vô cùng, có lúc đang đi thang bộ gặp cảnh mấy bà bầu đi lên mồ hôi nhễ nhại trông đến tội, bố tôi đã ngoài 80 tuổi chẳng thể đi lại như thế mãi được nên nhiều lúc chợt nghĩ đến cảnh nếu có gì đó về sức khỏe của cụ chắc tôi phải cõng cụ mà “lết” xuống thôi. Điều đáng nói ở đây, tình trạng này đã kéo dài suốt mấy năm nay nhưng chưa hề được khắc phục triệt để, khiến những ai lần đầu tiên đi thang máy tại khu nhà phải giật mình. Tình trạng thang máy bỏ tầng, thậm chí đứt cáp diễn ra thường xuyên".
Hệ thống PCCC từng tầng mặc dù đầy đủ có đèn báo sáng nhưng không hề hoạt động.
|
Không chỉ thang máy mà các hệ thống khác như điện, nước, công tác chữa cháy ở tòa nhà N03 cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Anh Nguyễn P chia sẻ thêm: “Hôm nọ nhà hàng xóm có việc, họ nấu ăn khói bay mù mịt, đen kịt tràn ra hành lang tầng mà chẳng thấy hệ thống PCCC tự động hoạt động, dù đèn tín hiệu vẫn sáng. Thấy mùi khói tôi tưởng cháy thật, chạy nhanh ra chỗ có vòi nước cứu hỏa rồi thử vận hành theo cách được tập huấn thì chẳng thấy có một giọt nước nào, nhìn sang góc tầng có hai bình CO2 định rút kíp để chữa cháy tuy nhiên vì quá cũ nên không thể sử dụng được. Nói với các anh cũng may là không phải cháy thật, chứ nếu mà xảy ra hỏa hoạn như thế có lẽ tôi chỉ còn cách nhảy lầu", anh P than thở.
Tuy các thiết bị chập chờn, vô tác dụng như vậy nhưng trên thực tế các hộ dân hàng tháng đều phải nộp đủ các loại phí từ phí vệ sinh môi trường, phí bảo trì, phí phương tiện … và trong vài tháng trở lại đây nhiều hộ đã phải đóng thêm cả phí sử dụng tính theo m2 sàn. Như vậy hàng năm các cơ quan có trách nhiệm liên quan đã thu một khoản phí không hề nhỏ.
Trước tình trạng “leo thang” khổ sở, người dân nơi đây đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp dịch vụ quản lý và khai thác nhà Hà Nội… nhưng đến thời điểm này, những gì họ nhận được chỉ là sự im lặng, có chăng cũng chỉ có một số tín hiệu cầm chừng giải quyết nhỏ lẻ từ phía đơn vị chủ quản.
Cần xử lý triệt để các tồn tại
Có thể thấy, sự cố không thang máy, không sử dụng được hệ thống PCCC,… một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng các chung cư tái định cư ở Hà Nội, đặc biệt là tại dự án khu N03 Láng Thượng.
Trong khi đó, tại rất nhiều các cuộc giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về việc quản lý, sử dụng, vận hành quỹ nhà tái định cư cũng đã kết luận nhiều vấn đề tồn tại, đồng thời chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trực tiếp quản lý (đặc biệt là Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội) phải khẩn trương khắc phục.
Song đến nay, các đơn vị triển khai thực hiện rất chậm, chưa làm hết trách nhiệm được giao và thường đổ lỗi bởi vướng cơ chế chính sách, thiếu ý thức chấp hành của người dân, thiếu kinh phí duy tu, bảo trì…
Điều này đồng nghĩa với chất lượng sống, thậm chí tính mạng của người dân tại một số khu nhà tái định cư đang bị xuống cấp không được đảm bảo, mất an toàn.
Những khoảng tường bị nấm mốc bao phủ là điều dễ nhận diện nhất khi bước vào trong tòa nhà.
|
Theo một số chuyên gia, để giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập trong đầu tư xây dựng, quản lý quỹ nhà tái định cư, bên cạnh việc xử lý những vấn đề liên quan chất lượng xây dựng, kinh phí duy tu, bảo dưỡng…việc xây dựng nhà tái định cư phải gắn với các công trình dịch vụ công cộng, khuyến khích người dân nhận đền bù bằng tiền để tự lựa chọn ngôi nhà mình ở.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, nhà tái định cư cũng nên coi là sản phẩm hàng hoá phải được đưa ra thị trường mới đánh giá được đúng chất lượng và nên thực hiện theo phương thức xã hội hoá, nếu không các khu tái định cư sẽ không khác gì các khu tập thể cũ đã đưa vào sử dụng từ 50 - 60 năm trước.
Chiếc máy phát điện dự phòng thuộc loại lớn nhưng chưa một lần được kiểm tra, bảo trì trong suốt 4 năm qua. Tiềm ẩn nguy cơ “im lặng” khi vận hành nếu có sự cố mất điện.
|
Từ năm 2001 đến nay, Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 166 tòa nhà tái định cư với 13.971 căn hộ.
Trong đó, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội trực tiếp quản lý vận hành 108 tòa nhà;
Tống Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, vận hành 18 tòa; 12 tòa do chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công được giao quản lý, vận hành sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng; 28 tòa nhà do các hộ dân tự quản (là các tòa nhà không có thang máy).
DiaOcOnline.vn - Theo Nhà báo & Công Luận