Người dân dửng dưng với nhà tái định cư

Cập nhật 29/05/2017 11:50

Quỹ nhà tái định cư của Hà Nội thì thiếu, nhưng người dân lại không mặn mà về ở trong những khu nhà tái định cư này. Nghịch lý này đã kéo dài từ rất lâu, từ các khu tái định cư cũ lẫn mới.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án giải phóng mặt bằng chậm trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua là do thiếu quỹ nhà tái định cư cho người dân bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ quỹ nhà tái định cư của thành phố thì thiếu, nhưng người dân lại không mặn mà về ở trong những khu nhà tái định cư này. Nghịch lý này đã kéo dài từ rất lâu, từ các khu tái định cư cũ lẫn mới.

Nỗi niềm tái định cư

Câu chuyện chiếc cầu tháng máy của khu nhà NƠ6 Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp là điển hình cho sự xuống cấp của khu nhà tái định cư này. Ông Nguyễn Hữu Bình, P216, cho biết trước kia gia đình ông ở trên khu vực Nguyễn Công Trứ, và đã về tái định cư ở đây được 6 năm.

Tuy vậy, từ khi về nhận nhà đến nay, cư dân khu nhà chưa bao giờ thôi bức xúc về chất lượng của tòa nhà. Trước đây tòa nhà này không có thang máy, người dân kêu mãi, đơn vị quản lý mới lắp đặt 2 chiếc thang máy. “Thế nhưng thang máy ở đây được lắp đặt dường như chỉ để che mắt dư luận.

Thang máy gì mà như bẫy người. Cũng chẳng mấy ai dám đi thang máy, vì vào đó rồi không biết có ra được không", ông Bình kể. Ông Bình cho biết, rất nhiều trường hợp đã bị kẹt trong thang máy hàng tiếng đồng hồ. Người dân lại phải lấy xà beng, dao rựa ra để cạy cửa.


Người dân lo lắng về chất lượng xây dựng kém và thiếu cơ sở hạ tầng của nhà tái định cư.

Được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay, toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C của Khu tái định cư thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) vẫn thưa thớt người ở. Khoảng 50% số căn hộ trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong. Có những tầng không một bóng người, nhiều tầng chỉ có 1, 2 căn hộ được sử dụng.

Thực tế chỉ có khoảng 15% người dân hiện đang ở đây là dân tái định cư, còn lại là cho thuê hoặc không đúng đối tượng. Người dân ở đây cho biết, do chất lượng xây dựng chung cư quá kém, tình trạng thấm dột, thang máy hay hỏng, vỡ đường ống nước… khiến nhiều người không muốn về ở.

Những khu nhà tái định cư ở khu vực xa, người dân không muốn về ở còn dễ lý giải, vậy mà khu nhà tái định cư Hoàng Cầu, ngay gần trung tâm cũng thưa thớt người ở thì rõ ràng các dự án nhà tái định cư này không tạo được sức hút với người dân.

Chiều 27-5, chúng tôi dạo quanh một vòng khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 về cơ bản đã hoàn thiện, với vị trí đẹp, có tầm nhìn bao quát cả khu vực hồ Hoàng Cầu, song số người dân về ở còn khiêm tốn.

Theo chị Trang, một cư dân vừa dọn về đây sinh sống thì chất lượng khu này rất bình thường, tuy nhiên điều chị Trang lo lắng là không biết vài ba năm nữa thế nào.

Thực tế tìm hiểu qua một vài trang mạng chuyên môi giới bất động sản thì thấy, nhiều người đã rao bán căn hộ ở khu nhà này với giá bán khoảng 30 triệu đồng/m². Trong khi đó, giá gốc của những căn tái định cư này chỉ từ 14,5-16 triệu đồng/m².

Cần điều chỉnh chính sách tái định cư

Từ nay đến 2020, TP Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư cho hơn 19.000 hộ dân.

Điều này cho thấy nhu cầu về quỹ nhà tái định cư ở Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, với nghịch lý tồn tại suốt nhiều năm qua là thành phố vẫn đang thiếu quỹ nhà tái định cư, nhưng nhà xây xong người dân lại không muốn vào ở thì đó liệu có phải là sự lãng phí?


Khu nhà tái định cư Hoàng Cầu với vị trí đẹp, gần trung tâm nhưng lượng người dân về ở vẫn rất thưa thớt.

Thực tế nhiều năm qua, đã rất nhiều lần, UBND TP Hà Nội tổ chức các cuộc họp với các sở, ngành đề nghị khảo sát, đánh giá chất lượng nhà tái định cư trên địa bàn và báo cáo với lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Nhưng sau một vài đốc thúc, mọi chuyện vẫn không thay đổi.

Thậm chí, Bộ Xây dựng cũng đã từng lập đoàn kiểm tra chất lượng nhà tái định cư tại 3 thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Nhưng sau các cuộc kiểm tra, rà soát, đến thời điểm này, hàng nghìn hộ dân vẫn phải sống khổ ở nhà tái định cư.  

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì việc đảm bảo được nhà tái định cư cho những người dân bị thu hồi nhà, đất là tích cực. Tuy nhiên, việc bố trí tái định cư ra sao thì vẫn còn là vấn đề phải bàn. “Tôi cho rằng lý do khiến nhà tái định cư bỏ trống là không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân.

Ví dụ, người trong diện giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ nhưng lại bố trí tái định cư tận Hà Đông, hay giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đình nhưng đưa người dân tái định cư sang Gia Lâm…, đi vài chục cây số mới tới nơi thì không phù hợp, nên người dân không nhận nhà tái định cư hoặc có nhận thì cũng không ở”, ông Liêm phân tích.

Vì thế, theo TS Phạm Sỹ Liêm, việc tái định cư nên thực hiện theo Luật Nhà ở, đền bù bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà phù hợp với điều kiện của người dân.

“Chúng ta hiện nay vẫn cứ tư duy là thu căn nhà này và trả lại căn nhà khác nhưng thậm chí chất lượng kém hơn, không có trường học, không có chợ búa, không có đường vào… thế thì làm sao người dân có thể vào ở. Đây là hạn chế ở chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay”, ông Liêm nói.
DiaOcOnline.vn - Theo CAND