Thị trường nhà đất: vắng bóng người mua. Ảnh: Hồng Thái |
Vào cuối năm, thông thường thị trường nhà đất ở TP.HCM sẽ sôi động khi người dân mạnh tay chi tiền để mua nhà đón tết. Tuy nhiên, mùa cao điểm năm nay thị trường này buồn tẻ khác thường, người bán lo thất bát.
Ông Tuấn, một nhà đầu tư tại quận Bình Tân như ngồi trên đống lửa khi ba căn nhà ông xây xong hồi tháng 11.2009 đến nay vẫn chưa bán được căn nào.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận xét: “Dịp gần tết là lúc nhiều người cưới vợ, sắm nhà. Những người có nhu cầu đầu tư cũng thường đợi đến dịp cuối năm để giải ngân những khoản lợi nhuận thu được trong một năm làm ăn, nếu không bán được thì cũng có thể để dành. Tuy nhiên, năm nay mọi việc có vẻ không theo quy luật”.
Bất động
Đầu năm 2009, ông Tuấn mua một miếng đất rộng 170m2 trên đường Đất Mới, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cất ba căn hộ gồm một trệt và một lầu. “Kinh nghiệm cho thấy cuối năm, thị trường nhà đất thường nóng lên”, ông Tuấn lý giải về việc mình cất nhà đón cơ hội đầu tư. Đến cuối tháng 11.2009, ông đã hoàn thành việc xây dựng nhà và rao bán. Khá đông khách đến nhưng họ chỉ “liếc” qua rồi… một đi không trở lại.
“Căn hộ 50 – 60m2, đã ra giấy chứng nhận sở hữu nhà và đất, xây theo kiểu biệt thự, giá 1 – 1,2 tỉ đồng/căn, vậy mà khách hàng vẫn lắc đầu chê đắt”, ông Tuấn rầu rỉ. Không chỉ đưa ra sát giá, ông Tuấn còn mạnh tay chi hoa hồng từ 3 – 5% cho ai giới thiệu được khách mua nhà, nhưng đến nay vẫn chưa ai lấy được số tiền trên.
Theo tính toán của ông Tuấn, để làm dự án này, từ tiền mua đất đến thủ tục, tiền xây dựng, “tiếp thị”… ông đã chi gần 2,7 tỉ đồng. Trong khi đó, bây giờ ông lo không biết có bán được 3 tỉ không. “Nếu tính căn cơ thì quả này tôi lỗ chứ không lời. Lý do là đã gần một năm nay phải gom tiền làm dự án nên số tiền trên không được quay vòng”, ông Tuấn phân tích.
Doanh số những tháng cuối năm, theo nhiều doanh nghiệp bất động sản, thường chiếm đến 60% doanh thu cả năm của họ. Chính vì thế, để “đón” đầu mùa cao điểm tết năm nay, không ít doanh nghiệp đã đưa ra các chương trình “PR” hoành tráng cho sản phẩm và ém lượng hàng lớn để tung ra thị trường.
Giám đốc kinh doanh và tiếp thị một dự án căn hộ cao cấp ở quận 7 cho biết công ty này đã chuẩn bị hơn 400 căn hộ, với giá bán khoảng 40 triệu đồng/m2 để phục vụ nhu cầu sắm nhà đón tết của người dân, đặc biệt là khách Việt kiều.
Ngoài ra, công ty còn tuyển thêm một loạt nhân viên môi giới, nhân viên marketing và tổ chức hàng loạt sự kiện để “PR” cho dự án. Thế nhưng kết quả thu về khá thất vọng, khi số lượng căn hộ bán ra chỉ trên đầu ngón tay.
Lan Hương, nhân viên sàn giao dịch bất động sản Địa Lợi (quận 2), nói: “Mọi năm, vào thời điểm này lượng giao dịch đất nền dự án có thể tăng khoảng 20 – 30% so với những tháng trước đó. Tuy nhiên mùa cao điểm năm nay dường như đến muộn hơn khi lượng giao dịch vẫn chưa tăng được chút nào”, Hương cho biết.
Nhiều thông tin bất lợi
Theo ông Phạm Văn Hải, tổng giám đốc công ty địa ốc ACB (ACBR), hiện tình hình buôn bán rất chậm, nhất là đối với phân khúc dự án căn hộ. Số lượng giao dịch ở phân khúc này tại ACBR giảm còn khoảng 20% so với những tháng trước đó. Đối với phân khúc nhà phố giao dịch cũng cầm chừng. “Khách đến xem khá nhiều, đặc biệt là nhà phố và căn hộ dưới 1 tỉ, nhưng số lượng mua đếm trên đầu ngón tay. Nhân viên ngồi chơi xơi nước”, ông Hải cho biết.
Theo lý giải từ các chuyên gia và công ty bất động sản, thị trường bất động sản đang hứng chịu hàng loạt thông tin bất lợi như: chính sách thuế thu nhập cá nhân đánh vào hoạt động chuyển nhượng bất động sản; khó vay vốn, lãi suất cao, giá vàng tăng… khiến người dân và nhà đầu tư đã co cụm về “phòng thủ” để chờ đợi thời cơ.
Ông Hải cho rằng: “Nhu cầu mua nhà của người dân rất lớn, nhưng do không được ngân hàng cho vay nên cũng đành… bó tay”. Thông thường người dân khi mua nhà, họ có trong tay 1 tỉ thì chọn mua nhà 1,5 tỉ. Số tiền còn lại sẽ vay bằng cách thế chấp chính ngôi nhà của mình. Những năm trước ngân hàng cũng rất thích cho vay đối với những trường hợp như vậy. Nhưng năm nay dường như không ngân hàng nào mặn mà.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Xuân Lộc, phó giám đốc công ty Vinaland lý giải thêm: “Do lượng kiều hối năm nay giảm. Mặt khác, tình hình kinh tế khó khăn kéo theo tiền tích luỹ của người dân thấp nên thay vì mua nhà họ chuyển sang đầu tư những kênh khác có khả năng quay vòng vốn nhanh, chẳng hạn như kênh vàng”.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị