Khác với thế giới, người Việt chủ yếu mua bán trên giấy, bỏ tiền thật để mua các sản phẩm hình thành trong tương lai mà chưa biết giá trị, hình hài thật của chúng ra sao.
Con số mới công bố gần đây cho thấy, tổng số tiền riêng các ngân hàng cho vay, "bơm" vào thị trường bất động sản lên tới 192.000 tỷ đồng. Tạm tính, số tiền các ngân hàng cho vay thường chiếm tỷ lệ 30% tổng số tiền đầu tư thì lượng vốn rót vào thị trường này đã lên tới 500.000 tỷ- một con số quá lớn so với quy mô nền kinh tế nước ta.
Có thể có không ít ý kiến cho rằng điều đó là bình thường bởi nước ta là nước đang phát triển, đang trong giai đoạn thúc đẩy công nghiệp hóa và nếu như thị trường nhà đất Việt Nam mua bán theo thông lệ thế giới bởi nhu cầu về nhà ở của người dân còn quá lớn. Tuy nhiên, một điều không lấy gì làm vui vẻ là xu hướng mua bán nhà đất trên thị trường bất động sản trong nước gần như ngược chiều hoàn toàn so với thế giới.
Nếu như, tại các nước, doanh nghiệp xây xong nhà mới đem bán và chủ yếu bán theo hình thức trả góp thì tại thị trường Việt Nam tình hình ngược lại gần như 180 độ: mua bán nhà trên giấy là chủ yếu. Nếu không, cũng là trả tiền trước, mua hàng sau thông qua các hình thức hợp đồng góp vốn (thực chất là lách luật), hợp tác kinh doanh...tức là bỏ tiền thật để mua các sản phẩm hình thành trong tương lai mà chưa biết giá trị, hình hài thật của chúng ra sao.
Tiêu biểu hơn cả có lẽ là tại thị trường nhà đất Hà Nội. Sau khi mở rộng, thủ đô có tới hàng trăm khu đô thị mới đã hoặc đang triển khai. Nhưng con số khu đô thị mới mà người dân đến ở , chỉ cần lấp kín khoảng 80% mới đếm được trên đàu ngón tay. Tức là một số lượng khổng ồ vốn đang được đầu tư tại các dự án đang hoặc sắp triển khai.
Bởi thế, hoàn toàn không khó để tận mắt chứng kiến cảnh tại các cánh đồng, bờ ao, thậm chí rừng núi như khu vực Ba Vì chẳng hạn, mới nghe phong thanh là sẽ làm khu đô thị này, trung tâm kia là dân chúng đổ ào ào đi mua đất từ công chức, nhân viên văn phòng, người về hưu đến nhà đầu tư lớn bé...
Tất cả những khía cạnh trên cho thấy rõ một điều nhu cầu về nhà đất thực sự của người dân tuy rất lớn. Tiếc rằng, phần đông những người có nhu cầu bức xúc nhất về nhà ở chưa thể với tới phần lớn những sản phẩm mà thị trường đang cung ứng. Những khu đô thị, những dãy biệt thự xây xong đã lâu nhưng chưa thấy ai đến ở là minh chứng rõ nét cho việc những sản phẩm hot nhất trên thị trường đang nhằm đến chủ yếu là các nhà đầu tư, mua đi bán lại nhằm mục đích lợi nhuận, hoàn toàn không có nhu cầu về chỗ ở.
Với kinh tế thị trường, hiện tượng mua đi bán lại kiếm lời không hề xấu. Tuy nhiên, với một quốc gia và phần đông người dân đang có mức thu nhập thuộc loại thấp thì rõ ràng tình trạng này đem lại nhiều tai hại hơn là những lợi ích trước mắt như lợi nhuận thu được, một số việc làm nhất định được tạo ra bởi một số ít doanh nghiệp bất động sản, tiền thuế thu được, bộ mặt đô thị được chỉnh trang phần nào...
Đổi lại, những hệ lụy từ quả bóng bất động sản đang được thổi ngày càng căng đét này chắc chắn sẽ lớn và thảm khốc hơn rất nhiều những cái lợi trước mắt nói trên. Điều dễ thấy nhất là việc phần đông người lao động sẽ khó mà đạt được mục đích chính đáng là có nhà ở phù hợp bởi giá đất không ngừng bị đẩy lên cao. Thứ đến, khi nguồn lực tập trung quá mức vào một lĩnh vực, bao giờ cũng gây mất cân đối, không có lợi cho cả nền kinh tế nói chung. Cuối cùng, cũng không thừa khi nhắc lại chính cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mà hiện nhiều quốc gia vẫn đang phải nỗ lực từng bước để vượt qua bắt nguồn chính từ việc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp tại Mỹ.
Mà khi đó, tại nước Mỹ, mới chỉ có khoảng 28% số nhà ở được mua với mục đích đầu cơ - con số này xem ra thua xa thực tế hiện tại trên thị trường bất động sản Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuần Việt Nam