Ngổn ngang hậu dự án lọc dầu tỉ đô

Cập nhật 11/03/2018 09:07

Sau khi thu hồi dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, UBND tỉnh Phú Yên và nhà đầu tư phải làm việc để có phương án giải quyết số vốn đã đầu tư và tiền ký quỹ

Ngày 10-3, ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên, cho biết đơn vị này đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, với lý do nhà đầu tư có quyết định chấm dứt dự án.

Giải quyết tiền đã đầu tư ra sao?

Theo ông Lê Văn Thành, dự án đã thu hồi nhưng chưa thể biết UBND tỉnh Phú Yên có phải trả lại tiền đầu tư ban đầu cũng như tiền ký quỹ khi thực hiện dự án này hay không vì nhà đầu tư và tỉnh Phú Yên vẫn chưa ngồi lại với nhau để bàn bạc cụ thể. "Hai bên sẽ còn phải ngồi lại với nhau để làm các thủ tục thanh lý dự án theo quy định. Trước khi UBND tỉnh Phú Yên làm việc với nhà đầu tư, cần có sự tham mưu của rất nhiều ngành, từ kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT), tài chính, tư pháp..." - ông Thành nói.

Trước đó, nhà đầu tư cũng đã đánh tiếng, ngoài số tiền ký quỹ bảo đảm dự án triển khai, họ đã đầu tư khoảng 100 tỉ đồng để đền bù và san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng số tiền này cũng chỉ nghe nói chứ chưa xác thực. "Muốn biết chắc số tiền mà họ đã bỏ ra phải rà soát lại toàn bộ các chứng từ. Cái nào hợp lý thì công nhận, cái nào không hợp lý thì thôi" - ông Thành khẳng định.

Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô do Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng việc thu hồi do Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên thực hiện. Giải thích về điều này, ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên, cho rằng theo Luật Đầu tư, dự án này nằm trong phạm vi diện tích của Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên nên đơn vị này phải xử lý. Ông Hổ cũng xác nhận nhà đầu tư trước đây có ứng tiền đền bù để tỉnh giải phóng, giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Theo quy định của pháp luật thì sau khi chấm dứt dự án, những vấn đề liên quan đến tài sản trước đây phải tiếp tục xử lý.


Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô động thổ rầm rộ nhưng sau 10 năm chủ đầu tư đã xin chấm dứt

Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. "Dịp Thủ tướng về Phú Yên nhân hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, tỉnh Phú Yên đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý, cho phép thu hồi theo đúng quy định của pháp luật vì nhà đầu tư không có khả năng nên họ xin rút" - ông Trà nói.

Dành quỹ đất đầu tư dự án khác

Theo quy hoạch, dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô "ngốn" diện tích đến 1.200 ha. Trong đó, gần 670 ha mặt nước và gần 538 ha đất của 3 thôn Đồng Bé, Phước Long và Phước Tân (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa). Có gần 600 hộ dân bị ảnh hưởng vì dự án này.

Ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết việc thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư được tiến hành từng bước. Hiện đến thời điểm này đã có trên 500 ha mặt đất lẫn mặt nước của người dân và các đơn vị được thu hồi để giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Vẫn còn một số diện tích nằm trong phạm vi dự án nhưng chưa thu hồi được.

Ông Hòa khẳng định diện tích đã được thu hồi sẽ không thể trả lại cho dân vì đã được đền bù và người dân đã nhận tiền. Những diện tích chưa thu hồi tạm thời dừng lại. Diện tích đã thu hồi sẽ được triển khai dự án khác, còn đó là dự án gì thì hiện một số nhà đầu tư vẫn đang vào tiếp cận, nghiên cứu. Trong đó hướng của huyện vẫn muốn đầu tư để phát triển du lịch hơn vì khu vực này có nhiều bãi đẹp, gần Mũi Điện - nơi đón ánh mặt trời sớm nhất trên đất liền - mà thời gian gần đây nhiều du khách tìm đến.

10 năm, động thổ rồi… để đó

Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên vào tháng 11-2007 với số vốn 1,7 tỉ USD và công suất 4 triệu tấn/năm. Kế hoạch ban đầu là nhà máy sẽ chính thức hoạt động vào năm 2011, sau đó sẽ nâng công suất lên 8 triệu tấn/năm. Đến tháng 4-2011, dù dự án chưa làm gì nhưng chủ đầu tư xin nâng công suất nhà máy lên 8 triệu tấn/năm, nâng vốn đầu tư lên 2,5 tỉ USD. Đến tháng 9-2014, dự án mới chính thức động thổ. Công suất nhà máy vẫn giữ nguyên 8 triệu tấn/năm nhưng số vốn đầu tư được điều chỉnh tăng lên 3,2 tỉ USD và cam kết khởi công vào năm 2016. Đầu năm 2018, chủ đầu tư đề nghị giảm vốn xuống còn 1,57 tỉ USD song lại đề xuất bổ sung thêm 185 ha đất cho dự án và tăng thời gian hoạt động dự án từ 50 năm như trước đây lên 70 năm và UBND tỉnh Phú Yên không chấp thuận.

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ