Ngổn ngang dự án đường sắt đô thị Hà Nội

Cập nhật 20/11/2015 11:18

Dự kiến các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội hoàn thành vào năm 2020, nhưng tới cuối năm 2015, theo Bộ GTVT, chỉ mới có 3 dự án thực sự triển khai và cũng đang chậm tiến độ, 5 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi và 1 dự án tạm dừng.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016 - Ảnh: Lê Quân

Gần hết thời hạn vay vốn vẫn chưa triển khai

Hôm qua, 19.11 Bộ GTVT đã họp với các nhà tài trợ liên quan đến tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội. Theo ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc BQL dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - ga Hà Nội tăng tổng mức đầu tư thêm 393 triệu euro, từ 783 triệu euro lên 1,176 tỉ euro (trong đó vốn ODA cần bổ sung là 304,9 triệu euro, vốn đối ứng cần bổ sung là 88 triệu euro). Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành liên quan và UBND TP.Hà Nội cho ý kiến rà soát tại sao tổng mức tăng như vậy.

Dự án Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5 km cũng đã được rà soát, dự kiến điều chỉnh tăng từ 11.555 tỉ đồng lên 51.700 tỉ đồng (dự kiến thực hiện từ 2009 - 2020). Chính phủ đang giao Bộ KH-ĐT thẩm định lại dự án, báo cáo trước tháng 4.2016. Hiện dự án mới triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) một phần tại khu vực depot, đoạn trên cao và chuyển tiếp, riêng đoạn đi ngầm mới hoàn tất các thủ tục liên quan đến thu hồi đất. Đáng nói, theo ông Mạnh, kế hoạch đến 2016 Hiệp định vay vốn JICA với dự án sẽ hết hiệu lực, nếu không có gói thầu xây lắp nào thực hiện thì hiệu lực của khoản vay sẽ bị xem xét, đánh giá lại, vì vậy rất khó khăn. “Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành trong tháng 4.2016 khi nhà thầu có kết quả thẩm tra cuối cùng, trong khi chờ Chính phủ hoặc báo cáo Quốc hội cho phép chủ đầu tư triển khai một gói thầu depot để có thể giải ngân một gói thầu xây lắp, khi đó hợp đồng vay vốn chỉ gia hạn không phải đánh giá lại”, ông Mạnh đề nghị.

Về tuyến 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai (tuyến nối dài của tuyến Nhổn - ga Hà Nội) dài 8 km với 2 km ngầm, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1,205 tỉ USD. Theo tiến độ đến nay tuyến này phải xong giai đoạn 1, nhưng thực tế mới đạt 70%. Giai đoạn 2 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhưng hiện mới làm xong bước sơ tuyển.

Đại diện JICA cho biết dự án đường sắt đô thị tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã bị chậm 2 năm vì vẫn đang chờ xác minh, thẩm định tổng mức đầu tư. Bộ KH-ĐT đã ký hợp đồng tư vấn để thực hiện việc này. Tuy nhiên, JICA đồng ý với BQL dự án đường sắt đô thị Hà Nội sẽ cố gắng có báo cáo sơ bộ vào cuối năm nay. “Hy vọng những động thái tích cực từ phía Chính phủ VN là cơ sở để JICA có thể tiếp tục gia hạn cho khoản vay dự án này”, đại diện JICA cho hay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định Bộ GTVT sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và KH-ĐT sớm thẩm định nguồn vốn cho dự án để các nhà tài trợ có điều kiện giải ngân đúng tiến độ. “Mong muốn lớn nhất của Chính phủ VN và Bộ GTVT là đảm bảo tiến độ dự án và khống chế được mức đầu tư để không vượt tổng mức đầu tư. Vừa qua một số gói thầu chúng ta đấu thầu vượt giá trần là không hợp lý, không đúng với tinh thần quản lý của VN. Kiên quyết những gói thầu vượt giá trần là không làm. Tăng cường đấu thầu quốc tế rộng rãi, tránh trường hợp đấu thầu trong các nhà thầu của nhà tài trợ, như vậy dự án mới có tính cạnh tranh”, ông Trường nhấn mạnh.
GPMB là “điều kiện đặc thù” của Hà Nội

Trưởng nhóm dự án ADB hỗ trợ vốn vay dự án Nhổn - ga Hà Nội đề nghị Bộ GTVT và Hà Nội với tư cách đầu mối có thể hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ GPMB và tái định cư. Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, vấn đề mặt bằng, tái định cư của Hà Nội hết sức khó khăn, hầu hết các tuyến đường sắt đều đi vào khu dân cư của TP.Hà Nội. Ông Trường đề nghị các nhà tài trợ xem đây là yếu tố đặc thù để có xử lý phù hợp với tính chất GPMB của 2 thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Vấn đề GPMB cần phải có một khoảng thời gian để giải quyết thỏa đáng, nếu được đưa vào điều kiện để giải quyết vấn đề vốn thì sẽ tháo gỡ được phần nào khó khăn tiến độ hiện nay.

Các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội sử dụng nhiều công nghệ như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Việc thống nhất các công nghệ này là trách nhiệm của Bộ GTVT, nhưng ông Trường đề nghị các nhà tài trợ hỗ trợ, chấp thuận tiêu chuẩn mà Bộ GTVT ban hành. Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu vé dùng chung cho các tuyến đường sắt đô thị, một vé có thể lưu hành được trên tất cả các tuyến (theo quy hoạch Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị).

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên