Một nghề hái ra tiền, lại nhàn hạ nhất hiện nay ở Hà Nội là cho thuê nhà. Nhu cầu cực lớn, lại… dễ trốn thuế nên nhiều người chấp nhận thuê nhà tồi tàn để ở, nhường căn hộ đẹp cho khách thuê với giá cao.
Mê nhất khách Tây
Chắt bóp gần 20 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh, phường Phương Liệt, quận Đống Đa mới xây dựng căn nhà 3,5 tầng, mặt đường Lê Trọng Tấn. Thế nhưng, nhà xây xong mà gia đình vẫn tiếp tục chui rúc trên căn hộ khu tập thể tầng 5 khu chung cư cũ bởi ông Thịnh đã quyết định cho thuê.
Khách thuê là một công ty TNHH. Tiền thuê nhà 20 triệu đồng/tháng, trả trước 1 năm. Ông Thịnh bảo: “Chỉ định cho thuê 2 năm để có tiền chu cấp cho cậu con trai du học bên Úc nhưng công ty họ đòi ký hợp đồng thuê ít nhất là 5 năm. Cũng đắn đo đấy nhưng... đành tặc lưỡi”.
Hiện nay, đối tượng mà người cho thuê nhà ở Hà Nội thích nhất là người nước ngoài bởi giá thuê cao, khách thuê lại văn minh, sạch sẽ, biết giữ gìn đồ đạc. Anh Lê Văn Hoài ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, hiện đang cho khách hàng Hàn Quốc thuê căn hộ trên 130m2 với số tiền 800USD/tháng, cho biết, khách nước ngoài thanh toán sòng phẳng, ít cò kè, thêm bớt, chỉ có lúc đầu phải làm thủ tục, giấy tờ khá phức tạp mới được phép cho thuê.
Anh Hoài còn cho biết, đang vay tiền mua thêm một căn hộ nữa ở khu tái định cư Nam Trung Yên để cho khách nước ngoài thuê trong khi chính vợ chồng anh đang phải thuê một ngôi nhà 2 tầng chật chội trong hẻm để ở.
“Người nước ngoài họ thích nhà chung cư vì thoáng mát, có chỗ đỗ ôtô, ở lại riêng biệt. Thế nên, ở một số khu đô thị bây giờ mới xuất hiện “làng” Hàn Quốc, “xóm” Nhật Bản...” - anh Hoài kể.
Theo khảo sát của Công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, do nguồn cung nhà ở cho thuê luôn ở mức thấp trong khi số lượng người nước ngoài vào làm việc tại Hà Nội lại đang tăng nên mảng thị trường này liên tục xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng với tỷ lệ căn hộ trống chỉ khoảng... 1%.
Trước đây, người nước ngoài thuê nhà tập trung ở khu vực trung tâm nhưng nay do quá tải, xu hướng xây dựng nhà ở cho thuê đang lui dần ra các quận, huyện xa như: khu Hồ Tây (quận Tây Hồ), khu Ngọc Khánh (Ba Đình), khu Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân), khu Mỹ Đình (Từ Liêm)...
1001 kiểu trốn thuế
Cho thuê nhà giá cao nhưng khai báo giá thấp, làm giấy tờ cho mượn nhà mặc dù cho thuê hay đơn giản là lánh mặt, không chịu làm việc với cơ quan thuế... Đó chỉ là vài chiêu trong 1.001 kiểu lách luật của người có nhà cho thuê nhằm mục đích trốn thuế.
Trường hợp của anh Hoài ở khu Trung Hòa - Nhân Chính nói trên là một ví dụ. Khi kê khai nộp thuế, anh chỉ khai với mức giá là 2,5 triệu đồng/tháng. Đương nhiên, anh phải thảo riêng 2 hợp đồng thuê nhà. Một để thanh toán thực với người thuê, một dành cho việc đối phó với cơ quan thuế. Thế là, số tiền phải nộp chỉ bằng 1/5 so với số lẽ ra phải đóng. Anh Hoài cười: “Chẳng dại gì mà “làm đúng, ăn đủ” trong khi còn có thể trốn được”.
Ông Trần Văn Bằng ở quận Đống Đa lại có cách trốn thuế khác. Với tổng diện tích mặt bằng cho thuê gần 200 m2, giá cho thuê 15 triệu đồng/tháng, để có thể trốn thuế, ông đã làm giấy tờ cho mượn nhà.
Thủ tục rất đơn giản, 2 bên chỉ việc cùng nhau ra UBND phường làm giấy tờ xác nhận việc cho mượn là không phải nộp thuế thuê nhà nữa. Ông Bằng phân trần: “Nếu không trốn được thuế thì giá thuê phải cao hơn bởi người thuê cũng phải gánh một phần. Do vậy, khách nào thuê cũng đồng ý làm cách này”.
Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, tình trạng trốn thuế của dịch vụ thuê nhà đã kéo dài nhiều năm nay và rất khó có thể đưa ra con số chính xác số tiền thuế thất thu.
“Nếu như người có nhà cho thuê không tự giác, cố tình tìm mọi biện pháp để trốn thuế thì các cơ quan chức năng cũng đành phải bó tay vì luật pháp không quy định rõ cách xử lý những hành vi này” - vị này cho biết. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Hoàng Mạnh Hiển cũng thừa nhận, tình trạng này không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn gây phức tạp về mặt xã hội.
Thị trường sẽ co lại?
Cùng với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam từ 1-1-2009, không ít người cho rằng, thị trường nhà trong thuê trong nước sẽ có xáo trộn đáng kể.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, đa phần người nước ngoài vào Việt Nam thuê nhà để ở với thời gian thuê từ 3-5 năm. Giá thuê nhà được chia làm nhiều loại, tùy thuộc vào tiện nghi, diện tích và khu vực thuê.
Tại Hà Nội, nếu là nhà ở do tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng, giá cho thuê từ 1.400 USD - 2.000 USD/căn hộ/tháng; nhà ở do tổ chức trong nước đầu tư thì giá thuê từ 700USD - 1.000 USD/căn hộ/tháng. Trong khi đó, tại TPHCM, giá thuê đối với căn hộ từ 800USD - 1.000USD/tháng, và 3.000-4.000 USD/tháng đối với biệt thự.
Ông Hà phân tích: “Với giá thuê nhà trung bình như trên, trong 5 năm sống tại Việt Nam, người nước ngoài phải trả không dưới 50.000 USD. Nếu họ mua một căn hộ với tiện nghi trung bình thì giá mua khoảng 70.000 USD/căn, sau 5 năm sử dụng, chỉ cần thu hồi được 70% giá trị ban đầu (khoảng 50.000 USD) cũng đủ thấy việc được mua nhà tại Việt Nam giảm bớt cho họ một khoản chi phí đáng kể. Ngoài ra, còn nhiều tiện ích khác do việc ổn định về chỗ ở, ổn định về tâm lý mang lại nên chắc chắn khi chính thức áp dụng, những người có nhu cầu sẽ mua chứ không tiếp tục thuê nhà”.
Thêm khó khăn nữa đối với bất động sản cho thuê khi UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt quản lý thu thuế, phí đối với các lĩnh vực khó quản này.
UBND TP cũng chỉ đạo công an TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh nhà ở cho thuê tại các địa bàn, đặc biệt là hoạt động cho người nước ngoài thuê nhà.
Tuy thế, nhiều người đang cho thuê nhà lại tỏ ra dửng dưng với những thông tin “bất lợi” này. Anh Lê Văn Hoài thản nhiên: “Cứ nói cho người nước ngoài mua nhà nhưng thủ tục còn phức tạp, chưa chắc đã dễ mua. Hơn nữa, có phải người nước ngoài nào cũng sẵn sàng bỏ hàng trăm nghìn đôla ra để mua căn hộ ở Việt Nam đâu. Thuê nhà vẫn rẻ và thủ tục nhanh gọn hơn nhiều...”.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn