Thị trường BĐS của Việt Nam sẽ ấm lên, đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi cụm từ “TPP” được nhiều người nhắc đến.
Nhiều thông tin cho thấy, sự “nóng” lên ấy lại có vẻ như bắt đầu từ các nhà đầu tư ngoại chứ không phải từ các nhà đầu tư trong nước.
Cũng đã gần chục năm nay, thị trường BĐS Việt Nam đã chui vào tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại. Nhiều Cty dịch vụ tư vấn BĐS hàng đầu thế giới như CBRE, Savills, Coldwell Banker, Colliers International, Cushman & Wakefield, Knight Frank...và mới đây nhất là Cty số 1 của Mỹ Keller Williams đã có mặt vào sân chơi này.
Theo ông Phạm Hải Đăng - Chủ tịch Keller Williams Việt Nam, sau khi TPP được ký kết, kỳ vọng nhất của các nhà đầu tư là BĐS thương mại sẽ tốt lên, bao gồm khu công nghiệp, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ.., bởi đây là hệ quả của việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
Tuy vậy, cuộc cạnh tranh không hẳn đã nghiêng về phía nhà đầu tư ngoại. Bởi đã có một thời, thị phần môi giới BĐS đã nghiêng hẳn về một số đơn vị trong nước. Các nguồn thông tin cho hay, năm 2014, Đất Xanh và Hệ thống siêu thị dự án (STDA) là 2 đơn vị có số lượng giao dịch nhiều nhất trên thị trường, chiếm khoảng 50% thị phần.
Dù sao chăng nữa, với nguồn lực dồi dào kể cả về tài chính lẫn kinh nghiệm thương trường, các nhà đầu tư ngoại sẽ không dễ dàng nhường bước một khi lịch sử đã bước sang trang mới.
Mới đây, các quỹ đầu tư từ Nhật Bản và Mỹ đang ồ ạt đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Thí dụ như, quỹ Creed Group (Nhật Bản) cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment hay quỹ Global Emerging Market-GEM (Mỹ) cam kết sẽ rót 20 triệu USD vào Cty Địa ốc Hoàng Quân…
Có ý kiến cho rằng, không phải các nhà đầu tư nội kém nhạy bén với cơ hội mới có một không hai này, mà là họ đã kiệt sức sau một thời gian dài đóng băng của thị trường BĐS trong nước.
Vì thế, họ rất cần có những “liều thuốc” kích thích từ các chính sách vĩ mô.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng