Ngoài Mường Thanh, Hà Nội còn các dự án nào xây vượt tầng, phá vỡ quy hoạch?

Cập nhật 12/07/2019 15:30

Xây dựng vượt tầng ở nhiều dự án chung cư là một trong những sai phạm đã khiến ông Lê Thanh Thản bị khởi tố. Ngoài Mường Thanh, Hà Nội hiện vẫn còn nhiều chủ đầu tư, dự án cũng xây sai phép, vượt tầng, phá hỏng bức tranh tổng thể về kiến trúc đô thị của Thủ đô….

Chung cư Sakura Tower xây vượt tầng, bán hàng chục căn hộ sai phép


Sai phạm nghiêm trọng tại chung cư Sakura Tower (47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ như xây vượt 2 tầng căn hộ, tự ý chuyển đổi công năng tầng kỹ thuật thành căn hộ, văn phòng cho thuê... Điều đáng nói, chủ đầu tư đã bán toàn bộ 78 căn hộ xây dựng sai phép nói trên cho người dân.

Chung cư Sakura Tower ở 47 Vũ Trọng Phụng xây vượt 2 tầng căn hộ, tự ý chuyển đổi công năng tầng kỹ thuật thành căn hộ, văn phòng cho thuê..

Theo đó, chủ đầu tư dự án chung cư Sakura Tower là Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn khởi công công trình vào quý 4/2009 trước khi được UBND Thành phố Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án vào tháng 3/2010.

Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn đã xây dựng công trình 28 tầng (27 tầng + 1 tum thang máy), vượt 2 tầng căn hộ so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng. Diện tích xây dựng mỗi tầng căn hộ xây vượt là 1.012m2/tầng, diện tích sử dụng là 839,5m2/tầng.

Ngoài ra, chủ đầu tư đã xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được phê duyệt và đã tự ý chuyển đổi công năng tầng kỹ thuật. Cụ thể, tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và tầng 3 cao 4,5m, hiện cho thuê làm văn phòng; tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và tầng 12 cao 3m, đã chia thành 14 căn hộ.

Theo hồ sơ xin phép xây dựng được chấp thuận, diện tích xây dựng công trình không bao gồm tầng kỹ thuật gần 23.625m2, thực tế thi công là 26.531m2, vượt 2.906m2; có tầng kỹ thuật là 25.850m2, thực tế thi công là 28.808m2, vượt 2.958m2.

Thanh tra Chính phủ cho biết, tòa nhà Sakura Tower có 239 căn hộ để bán. Trong đó, 161 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Hiện 78 căn hộ sai phép đã bán cho các hộ dân (tầng 12 có 14 căn; tầng kỹ thuật trên tầng 11 (12B) là 14 căn; tầng 21 là 11 căn; tầng 22 là 13 căn; 2 tầng căn hộ xây vượt là tầng 24B có 13 căn, tầng 24C có 13 căn). Số căn hộ xây dựng sai phép nói trên, chủ đầu tư chưa làm việc với cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc cho các hộ dân….

Central Field Trung Kính cũng vượt tầng

Dự án Central Field ở 219 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty TNHH 19-12 Bắc Hà làm chủ đầu tư và Tổng công ty Cổ phần Địa ốc MB (MBLand Holdings) là đơn vị phát triển dự án.
Dự án Central Field 219 Trung Kính xây cao 30 tầng, tức vượt 1 tầng so với giấy phép xây dựng được cấp.

Theo Giấy phép số 01/GPXD-SXD do Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 14/1/2015, công trình gồm 3 tòa tháp cao 29 tầng (bao gồm cả khối đế 5 tầng, tầng kỹ thuật và tum thang) và 3 tầng hầm.

Thế nhưng, khi xây dựng và hoàn thành dự án Central Field 219 Trung Kính, chủ đầu tư đã xây cao 30 tầng, tức vượt 1 tầng so với giấy phép xây dựng được cấp.

Dự án đã bàn giao cho người dân về ở hồi đầu năm 2018.

Sai phạm tại dự án Central Field Trung Kính đã được thanh tra Chính phủ nêu rõ: Chủ đầu tư xây dựng công trình 30 tầng, vượt 1 tầng kỹ thuật so với quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận tại văn bản số 5733/QHKT-TMB ngày 25/12/2014 và giấy phép xây dựng số 01/GPXD-SXD ngày 14/01/2015 của Sở Xây dựng là vi phạm khoản 4, khoản 11 điều 12 Luật Xây dựng năm 2014.

Dự án 8B Lê Trực đình đám và nhiều dự án khác cũng vượt tầng

Vụ lùm xùm ở công trình số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội xảy ra đã 4 năm nay nhưng cho tới giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Công trình số 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) xây vượt 5 tầng, sự việc xảy ra đã 4 năm nay nhưng cho tới giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...

Công trình số 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) xây vượt 5 tầng, sự việc xảy ra đã 4 năm nay nhưng cho tới giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...

Cụ thể, theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái.

Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.

Trước những sai phạm trên, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định cưỡng chế “cắt ngọn” nhà 8B Lê Trực. Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này, thế nhưng đến nay đã 4 năm vẫn đang xử lý dang dở…

Trong một báo cáo về thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, đoàn thanh tra liên ngành của TP Hà Nội đã chỉ ra nhiều đơn vị vi phạm quy hoạch.

Trong 50 dự án nhà ở, chung cư cao tầng được lựa chọn ngẫu nhiên để kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất, có tới 38 dự án có sai phạm như xây dựng vượt số tầng, thông tầng; vượt diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng; sử dụng sai công năng một số tầng trong tòa nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng…

Điển hình như khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành (phường Mộ Lao, quận Hà Đông), do Công ty TNHH Capitaland Hoàng Thành làm chủ đầu tư, chưa làm thủ tục xác định và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số căn hộ được điều chỉnh tăng từ 992 lên 1.478 căn. Đến thời điểm thanh tra, công ty chưa nộp phí xây dựng.

Hay dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (Thanh Xuân), do Tổng công ty Tài nguyên - Môi trường Việt Nam và Công ty CP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư, đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án này còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Còn Công ty Đầu tư phát triển đô thị và thiết bị vật tư Hà Nội 1 - chủ đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân - đã tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép nhiều diện tích, chưa nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích sử dụng thêm ngoài diện tích trúng đấu giá, chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Một số dự án nữa vi phạm là tòa nhà chung cư - trung tâm thương mại và dịch vụ tại 200 Quang Trung (quận Hà Đông) của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Bình Vượng. Chủ đầu tư đã tự ý xây tăng thêm 5 tầng, chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về phòng cháy chưa cháy.

Công ty TNHH Hanotex tự ý xây dựng thêm 6 căn penhouse tại tầng kỹ thuật và tầng mái ở dự án Sky city 88 Láng Hạ...

Theo chuyên gia, chính sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã khiến những sai phạm trên mặc nhiên tồn tại và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phá hỏng quy hoạch tổng thể kiến trúc đô thị của Hà Nội. Vì vậy, vấn đề đặt ra là không chỉ xử phạt nhà đầu tư mà còn phải quy trách nhiệm cơ quan quản lý đã để xảy ra vi phạm.

DiaOcOnline.vn – Theo Infonet