Số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, tổng quỹ nhà ở trên toàn quốc hiện có khoảng 1.790 triệu m2 (các khu vực đô thị gần 690 triệu m2, khu vực nông thôn gần 1.100 triệu m2).
Từ kinh nghiệm của quốc tế, Việt Nam đã và vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở phù hợp với điều kiện thực tế, với mục tiêu giúp người có thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở. |
Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2015, cả nước đạt 10 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó chủ yếu là chung cư; đồng thời, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 60% sinh viên, 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp; hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 400.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn. Để đạt mục tiêu này, hiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi do Bộ Xây dựng đang thực hiện cũng có nhiều đổi mới và dành riêng một chương về nhà ở xã hội với các vấn đề cụ thể như hỗ trợ cải thiện, tài chính cho phát triển, quản lý sử dụng, thông tin cơ sở dữ liệu về loại hình nhà ở này.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, giá nhà ở tại Việt Nam vẫn cao so với thu nhập của người lao động nên việc cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân cần có sự hỗ trợ của nhà nước, thậm chí thu hút cả nguồn lực giúp đỡ của quốc tế. Theo ông Sameh Naguib Wahba - Giám đốc Ban Phát triển đô thị, kinh nghiệm ở các nước làm tốt việc phát triển nhà ở xã hội là nhà nước đưa ra các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng; cung cấp được cho khoảng 50% cho những người có thu nhập thấp nhất các khoản tín dụng ưu đãi để thuê, mua nhà ở và quan trọng nhất là tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà ở xã hội…
Với những lý do đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần xác định cụ thể nguồn cung và nhu cầu về nhà ở xã hội, các cơ chế nhằm huy động nguồn vốn trung, dài hạn để tạo lập quỹ nhà giá rẻ dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo tại khu vực đô thị.