Những cơn sốt giá đất bất thường ở phía Tây Hà Nội vừa qua thổi hơi nóng vào đến chương trình thảo luận Kỳ hợp thứ 7, Quốc hội khóa XII. Giá đất tăng quá cao làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, khi một phần lớn vốn đầu tư phải chi vào đất đai thay vào chi đầu tư cho con người và công nghệ.
Giá đất tăng cao cũng gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng khi khung giá theo quy định luôn thấp hơn giá đất ngoài thị trường. Thị trường đất đai hai giá đang tồn tại là một nghịch lý.
Hiện nay, thị trường đất đai ở nước ta bản chất vẫn là hai giá. Một bên là giá đền bù đất cho nông dân theo khung giá quy định, bên kia là giá đất ở do thị trường quyết định. Nông dân luôn phản ánh giá đền bù giải tỏa không thỏa đáng. Các nhà đầu tư và người có nhu cầu lại luôn cho rằng giá đất ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Nghịch lý này khiến người dân luôn khiếu kiện vì cho rằng giá đền bù thấp so với thị trường. Người dân không chịu nhận tiền đền bù, hỗ trợ và không bàn giao đất cho chủ đầu tư khiến công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án bị ách tắc như Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất), dự án đô thị C.E.O (Quốc Oai)... Trong khi đó, nhiều nhà đầu cơ đất đai tận dụng sự chênh lệch hai giá để trục lợi lớn. Đất nông nghiệp bị thu hồi với giá đền bù thấp, nhiều doanh nghiệp sau khi chuyển đổi mục đích sang xây dựng khu đô thị, nhà ở lại bán với giá cao ngất ngưởng. Khoản chênh lệch quá nhiều này chui vào túi tư nhân mà Nhà nước hầu như không thu được đồng nào. Chưa kể đến những hệ lụy tạo ra khi người nông dân không còn đất canh tác.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để chống lại được những cơn sốt giá đất bất thường và hạn chế đầu cơ, cần chuyển giá đất sang cơ chế thị trường, một giá duy nhất. Thêm nữa, đất đai là có hạn, không gian sử dụng đất đai cũng có hạn nên Nhà nước phải có chính sách triệt để đánh thuế lũy tiến vào diện tích sử dụng đất xây dựng công trình của các nhà đầu cơ chứ không nên đánh thuế lũy tiến chung tất cả.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới