Nghị quyết 02/NQ-CP: Hành lang pháp lý đã thông thoáng

Cập nhật 21/01/2015 10:41

Phát biểu tại Hội nghị toàn ngành xây dựng cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Nghị quyết số 02/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục rõ rệt.

Ảnh Internet

Theo ông Dũng, sau một thời gian dài thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng”, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, nhằm khắc phục sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người dân. Các giải pháp do Bộ Xây dựng đề xuất đã được Chính phủ thống nhất đưa vào Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 để thực hiện.

Nhìn lại 2 năm triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) thực hiện các giải pháp như sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện, công chứng hợp đồng; đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm.

Kết quả là năm 2014, thị trường bất động sản phục hồi rõ rệt, thể hiện qua lượng giao dịch tăng; giá cả tương đối ổn định; lượng tồn kho bất động sản tiếp tục giảm; cơ cấu hàng hóa bất động sản chuyển dịch theo hướng hợp lý, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn vốn.

Mặc dù vậy, theo nhiều ý kiến, thị trường mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự hồi phục, hàng ngàn dự án vẫn còn “đắp chiếu”, lượng tồn kho bất động sản mặc dù đã giảm nhiều so với đầu năm 2013, nhưng hiện vẫn còn lớn, nhất là các sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 02, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 22/TTr-BXD về việc sửa đổi, bổ sung một số giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tại Nghị quyết số 02. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 02 theo hướng mở rộng đối tượng được vay vốn, nới điều kiện và thời hạn cho vay.

Triển khai nghị quyết trên, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 32/2014/TT-NHNN bổ sung hai đối tượng được tham gia vay từ gói hỗ trợ. Thay vì chỉ được vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở, các đối tượng thuộc diện ưu đãi sẽ được hỗ trợ vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa lại nhà ở. Mức cho vay được thỏa thuận giữa khách hàng với ngân hàng, nhưng không vượt quá 700 triệu đồng, trong đó người đi vay phải cam kết có tối thiểu 30% chi phí xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở.

Với những khách hàng mua nhà ở xã hội, thương mại, thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 15 năm kể từ thời điểm giải ngân lần đầu, nhưng không vượt quá ngày 1/6/2013. Quy định này đã nới thêm 5 năm so với văn bản cũ.

Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư 17/2014/TT-BXD bổ sung đối tượng được vay vốn để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán đã bao gồm thuế VAT (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng; ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BXD điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án bất động sản, chuyển đổi dự án sang nhà xã hội hoặc công trình dịch vụ vẫn tiếp tục được phép thực hiện cho đến hết năm 2015.

Năm 2015 được coi là năm đánh dấu nhiều chuyển biến quan trọng của ngành xây dựng. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong năm nay, Bộ Xây dựng cần quyết liệt chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội.

Tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa các dự án bất động sản; đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán thấp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng… theo tinh thần Nghị quyết 02 và những văn bản sửa đổi.

Cắt giảm 40% thủ tục hành chính cho chủ đầu tư

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM

Năm 2015, TP. HCM quyết tâm cắt giảm tối thiểu 40% thủ tục hành chính đối với chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, có những thủ tục cần Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi. Chẳng hạn như thủ tục chấp nhận chủ đầu tư, thẩm định dự án đầu tư.

Có những vấn đề vướng mắc đã lâu, gây nhiều bức xúc như vấn đề quản lý sử dụng nhà chung cư. TP. HCM hiện có 1.244 chung cư, trong đó có 494 chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975. Thời gian qua xảy ra rất nhiều mâu thuẫn tại các khu nhà chung cư này vì nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập liên quan đến quy chế quản lý nhà chung cư theo Quyết định 08 của Bộ Xây dựng. Vì vậy, đề nghị Bộ sớm sửa đổi quy định này.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản