Nghèo hoài vì đất không yên

Cập nhật 28/10/2013 09:14

Hoàn cảnh của ba gia đình sau đây có thể không hiếm gặp và vì thế cho thấy, cuộc sống của người dân đang rất dễ bị tổn thương khi mảnh đất họ sinh sống có quá nhiều tác động gây bất ổn kéo dài.

Đoàn công tác của quận Ô Môn đến nhà bà Vân sáng 4/10/2013, tính đo đạc lấy hơn 8.000 m2 đất. ẢNH: SÁU NGHỆ.

Xí nghiệp Công viên cây xanh thuộc Cty Công trình Đô thị TP Cần Thơ bị giải thể đầu năm nay, ông Võ Hồng Tiến thất nghiệp. Nhà ông ở bên đường Nguyễn Văn Cừ (Ninh Kiều, Cần Thơ), chỉ khoảng 25 m2 nhưng mở được quán bán hàng ăn uống nên ông cùng vợ lo toan để nuôi 2 con còn đi học. Đột ngột, UBND quận Ninh Kiều có quyết định thu hồi đất và ngày 4/9/2013, thông báo bồi thường cho ông 972.000 đồng (chín trăm bảy mươi hai nghìn đồng). Chủ tịch UBND quận Võ Văn Chính trong công văn ngày 7/10, giải thích, do đất “không đủ chuẩn xây dựng” và yêu cầu ông Tiến “đến hết ngày 30/10/2013” phải bàn giao mặt bằng.

Đất và nhà của ông trước đây rộng gần 50 m2, năm 2011, UBND quận thu hồi mất một nửa để mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ, bồi thường hơn 96 triệu đồng. Ông vừa sửa lại nhà thì bị thu hồi tiếp. Tổng cộng tiền bồi hoàn cả hai đợt, chưa đến 98 triệu đồng. Ông Tiến thất thần: “Tiền bồi thường không đủ mua một nền ở khu tái định cư 76 m2, giá 150 triệu đồng, còn tiền đâu làm nhà ở? Nơi này gia đình tôi sống từ năm 1981, mở quán có đồng ra đồng vô, vào khu tái định cư lấy gì sinh sống?”.

Nhà đất rộng gần 25m2, bên đường Nguyễn Văn Cừ rộng 40 m, của ông Tiến được bồi thường 972.000 đồng.

Cũng tại TP Cần Thơ, bà Hồ Xuân Vân ở phường Phước Thới (Ô Môn) có 9.362 m2 đất cha mẹ chồng cho từ năm 1977, nhưng mãi đói nghèo do không yên ổn. Trước đây, quận cấp sổ đỏ đất cho bà rồi thu hồi, ngày 2/12/2010 tiếp tục cấp sổ đỏ thì sáng 4/10/2013, Đoàn công tác của quận lại đến triển khai quyết định của UBND TP Cần Thơ, thu hồi hơn 8.000 m2 đất của bà để giao cho ông nguyên cán bộ thanh tra Sở NN&PTNT Nguyễn Thành Vân.

Ông Tiến thất thần: “Tiền bồi thường không đủ mua một nền ở khu tái định cư 76 m2, giá 150 triệu đồng, còn tiền đâu làm nhà ở? Nơi này gia đình tôi sống từ năm 1981, mở quán có đồng ra đồng vô, vào khu tái định cư lấy gì sinh sống?”.

Nguyên do, thời thành lập “Tập đoàn sản xuất”, ông Vân lúc đó là cán bộ thanh tra của Sở NN&PTNT có sản xuất trên đất của bà Vân. Khi tập đoàn sản xuất tan rã, đất phải trả về chủ cũ, tức trả về bà Vân. Tuy nhiên sau một thời gian, ông Vân cho rằng đã mua đất của bà Vân nhưng “giấy tờ mua bán thất lạc”. Không có chứng cứ cho việc mua bán nhưng chính quyền địa phương vẫn ra nhiều quyết định tìm cách công nhận đất cho ông Vân, trong sự phản đối của bà Vân, gia đình và xóm ấp. Mấy chục năm qua liên tục diễn ra khiếu nại, kiện tụng.

Trưởng đoàn công tác sáng 4/10, nói quyết định của cấp trên thì triển khai chứ “oải vụ này lắm”, khi bà Vân quyết không cho đo đất thì lập biên bản “để báo cáo lên trên” rồi ra về. Bà Vân khóc: “Tôi phận mẹ con đơn chiếc, lấy chồng năm 21 tuổi đến nay gần 60 tuổi rồi, chưa lúc nào được yên ổn làm ăn nên nghèo hoài”.

Trường hợp bà Vân đang giữ được đất, lại còn may mắn hơn bà Lê Thị Hồng Hoa ở xã Tân Phú Thạnh (Châu Thành A, Hậu Giang), bị lấy 6.000 m2 mà 27 năm “không ai trả lời cho một tiếng”.

Bà Hoa nay đã hơn 70 tuổi, năm 1958 cùng chồng mua đất sinh sống, năm 1986 bị lấy 6.000 m2 đất để xây dựng Xí nghiệp Cafatex. Bà kể: “Từ đó, năm nào tôi cũng đến hỏi Xí nghiệp Cafatex về bồi thường, được trả lời cứ chờ. Tôi chờ mãi đến bây giờ, chồng tôi đã qua đời, tôi tuổi già sức yếu không biết sao?”. Xí nghiệp Cafatex là doanh nghiệp quốc doanh, nay đã cổ phần hoá thành Cty Cổ phần Thuỷ sản Cafatex, chuyên chế biến thuỷ sản xuất khẩu.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong