Cùng với sự hình thành của các sàn giao dịch bất động sản, theo quy định của Bộ Xây dựng, đội ngũ tư vấn, môi giới, thẩm định bất động sản cũng sẽ phải được đào tạo và chuẩn hóa. Công việc này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong đó có cả giới trẻ.
Đến sàn giao dịch bất động sản, người mà bạn gặp đầu tiên sẽ là những nhân viên tư vấn. Theo như cách mua bán nhà đất thông thường trước đây thì vị trí này được gọi là “cò”. Tuy nhiên, nếu như trước đây ai cũng có thể nhảy vào làm “cò đất”, thì giờ đây làm được công việc này phải có chứng chỉ và dĩ nhiên là qua một quá trình đào tạo. Với những chức năng mới và đa dạng của sàn, thì những nhân viên tư vấn sẽ phải có những nền tảng nhất định kiến thức về pháp luật, am hiểu về tính pháp lý các loại bất động sản rao bán qua sàn.
Ông Vũ Quang Vinh, Nhân viên tư vấn cho biết: “Là nhân viên tư vấn thì tôi phải tư vấn cho các nhu cầu của khách hàng, giúp họ tìm được nhu cầu của mình, đưa ra những lời khuyên, giúp cho người mua và người bán, giúp đáp ứng cho nhu cầu của người dân nhiều hơn”.
Rõ ràng công việc này đòi hỏi khá nhiều kinh nghiệm sống và kiến thức. Không chỉ biết về luật, một nhân viên tư vấn muốn thành công còn phải biết một chút về phong thủy, biết xem hướng nhà và đặc biệt là những quan niệm đặc thù của người dân miền Trung về nhà cửa. Dù phải đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của những người từng trải, nhưng trong đội ngũ tư vấn viên của nhiều sàn giao dịch ở Đà Nẵng vẫn có nhiều bạn trẻ theo đuổi công việc này.
“Người miền Trung quan niệm về nhà cửa khá là thực tế, cần sự chắc chắn trong mua bán, luôn đề cao khả năng an toàn là trên hết, mình sẽ khai thác nhiều vào nhu cầu này”. Ông Vũ Quang Vinh, Nhân viên tư vấn nói.
Hiện Đà Nẵng có gần 10 sàn giao dịch bất động sản hình thành với con số hàng trăm tư vấn viên đang làm việc, nhưng độ chuẩn hóa của đội ngũ này chưa cao. Theo khảo sát của một đơn vị đào tạo nhân lực thì mới chỉ có khoảng 20% trong số này được cấp chứng chỉ.
Ông Nguyễn Hữu Quốc Bảo, Công ty cổ phần New Vision Đà Nẵng: “Ở 2 đầu Hà Nội và TP.HCM tự đào tạo rất tốt, trong khi Đà Nẵng chưa có “chim đầu đàn”, nên việc tự đào tạo khó khăn. Các sàn ở Đà Nẵng chỉ có 20% qua đào tạo, điều đó phải suy ngẫm”.
Từ đầu năm 2009 đến nay, Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung đã có những tín hiệu hồi phục của thị trường bất động sản. Cộng với một số yếu tố khác từ phía những dự án đã và đang khởi động như dự án cầu Thuận Phước, Cầu Rồng, hay các khu đa chức năng đang hình thành, thị trường bất động sản tại thành phố Đà Nẵng được dự báo sẽ phát triển trong năm 2010. Góp phần vào việc lành mạnh hóa thị trường, chắc chắn sẽ có vai trò quan trọng của các sàn giao dịch bất động sản mang tính chuyên nghiệp, mà chắc chắn, việc chuẩn hóa đội ngũ tư vấn, thẩm định, môi giới chắc chắn sẽ là yêu cầu cấp thiết.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV