Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1995 đến nay, cả nước có 63.000 dự án đầu tư với diện tích 1.317.000 ha. Trong số các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng là khâu mà các doanh nghiệp (DN) sợ nhất.
Hiện có tới 55 tỉnh, thành có dự án chậm giải phóng mặt bằng với tổng số 1.273 dự án. Việc giải phóng mặt bằng thường chậm so với thời gian quy định và phải kéo dài ít nhất 18 tháng, nhiều dự án kéo dài 3-5 năm, có những trường hợp ròng rã trên 10 năm. Riêng TPHCM, tính từ năm 1998 đến nay vẫn còn tới 50% số dự án đang tiếp tục giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới 102.000 hộ dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ việc các chủ đầu tư chưa có đủ năng lực tài chính nên không huy động đủ vốn để bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi. Thêm vào đó, những quy định hiện hành về vấn đề này cũng đang làm khó các DN. Ngay cả các trung tâm phát triển quỹ đất cũng chưa chủ động trong việc giải phóng mặt bằng sau quy hoạch, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, chưa hạn chế được tình trạng ách tắc kéo dài việc giải phóng mặt bằng.
Thị trường bất động sản đang trong tình trạng cung không đủ cầu, trong khi đó hàng loạt các dự án bất động sản đang bị treo. Để khắc phục tình trạng này, đưa thị trường hoạt động lành mạnh trở lại, việc thương lượng và thỏa thuận với người dân cần được tiến hành nhanh chóng. Mới đây, đã có một DN đứng ra xin thành lập công ty đền bù giải tỏa. Theo đề án đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng Công ty Đền bù giải tỏa VN có vốn điều lệ là 1.650 tỉ đồng, trong đó vốn góp cổ đông của Công ty Cổ phần Đức Khải - đơn vị xin thành lập- khoảng 850 tỉ đồng, phần còn lại là vốn huy động.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Thế Ngọc, việc thành lập một công ty chuyên làm nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ tranh thủ được nguồn vốn của xã hội, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây là loại hình đầu tư mới, Luật Đất đai hiện hành chưa có các quy định điều chỉnh vấn đề này. Luật DN không cấm nhưng việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng là loại hình kinh doanh mới chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Vì vậy nên bổ sung mã số ngành nghề này.