Ảnh minh họa. |
Hôm qua 5-10, nhân Ngày nhà ở thế giới, Chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-HABITAT) đã công bố báo cáo toàn cầu về định cư con người năm 2009 với chủ đề “Quy hoạch thành phố bền vững”.
Ở Việt Nam, hằng năm dân số đô thị tăng thêm gần một triệu người và tỉ lệ đô thị hóa đã lên tới 29,6% vào năm 2009. Theo dự báo gần đây nhất của UN-HABITAT, đến năm 2020 dân số Việt Nam sẽ lên tới hơn 101,6 triệu người, trong đó 34,7% (tương đương 35,2 triệu người) sẽ sống trong các thành phố.
Dân số tăng tạo ra áp lực lớn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng tại các đô thị. Bên cạnh đói nghèo và thất nghiệp - những thách thức lớn đối với các thành phố của Việt Nam - đô thị hóa nhanh cũng làm tăng khoảng cách về phát triển giữa các vùng, giữa đô thị và nông thôn cũng như giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, hơn một nửa dân số thế giới sống trong các đô thị và đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên 70%.
Trong quá trình đô thị hóa, các nhân tố chính đặc trưng cho những thành phố của thế kỷ 21 mà quy hoạch đô thị cần xem xét bao gồm:
1/ Những thách thức về môi trường của biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc quá lớn của các thành phố vào phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
2/ Những thách thức về tăng trưởng kinh tế và lo ngại cách tiếp cận theo hướng thị trường mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tạo nên, cũng như sự gia tăng các hoạt động không chính thức tại các đô thị.
3/ Những thách thức về vấn đề không gian xã hội, đặc biệt là sự mất cân bằng về xã hội và không gian, sự phát triển lộn xộn ở đô thị, vấn đề đô thị hóa vùng ven và sự mở rộng về quy mô không gian của các thành phố thiếu quy hoạch.
4/ Những thách thức thể chế liên quan đến quản trị đô thị và sự thay đổi vai trò của chính quyền địa phương.
Báo cáo đánh giá tính hiệu quả của quy hoạch đô thị với vai trò là một công cụ, nhằm đối phó với những thách thức không lường trước được của thế kỷ 21 và thúc đẩy đô thị hóa bền vững.
Bà Anna Tibaijuka, tổng thư ký và giám đốc điều hành UN-HABITAT, nhận xét: “Hiện nay, có thể nhận thấy ở nhiều nơi trên thế giới các hệ thống quy hoạch đô thị ít thay đổi và thường gây ra những vấn đề trong đô thị, chứ không phải là các công cụ nhằm cải thiện môi trường sống của con người. Vì vậy, luận điểm chính của báo cáo là tại hầu hết các quốc gia, các phương pháp tiếp cận quy hoạch hiện tại cần thay đổi và cần xác định một vai trò mới cho quy hoạch đô thị trong quá trình phát triển bền vững”.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO