Ngày 2/9, khởi công xây dựng cầu Nhật Tân: Khó hợp long đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm

Cập nhật 20/03/2008 09:00

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân đã được khởi động từ năm 2005. Đến nay đã 3 năm, dự án này vẫn dậm chân tại chỗ. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, mới đây Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có cuộc kiểm tra tiến độ dự án. Và Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 65/TB - VPCP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo triển khai đẩy nhanh tiến độ để có thể khởi công cầu Nhật Tân vào ngày 2/9/2008; phấn đấu hợp long cầu trước ngày 10/10/2010. UBND TP Hà Nội chủ trì, cùng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan GPMB hai đầu cầu, với tinh thần khẩn trương giao mặt bằng kịp tiến độ khởi công và xây dựng công trình. Tuy nhiên việc hợp long cầu Nhật Tân vào 10/10/2010 quả là nan giải?

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân có chiều dài 8,2 km, trong đó cầu chính dài khoảng 3,8 km và đường hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 4,4 km. Tổng mức đầu tư của công trình khoảng 7.530 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay JBIC và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Điểm đầu dự án sẽ nối đường vành đai 2 tại khu vực phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), cách đê Phú Thượng khoảng 800m, cách đường Lạc Long Quân hiện tại khoảng 400m; điểm cuối của dự án giao với quốc lộ 3 cũ tại km7+100. Chiều dài toàn tuyến khoảng 8,45km, trong đó chiều dài cầu là 3,95km, chiều dài tuyến dẫn 4,5km. Mặt cắt ngang cầu xây dựng cho 8 làn xe, với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp 2 bên.

Nói cầu Nhật Tân khó hoàn thành trong 2 năm là bởi ở dự án cầu Vĩnh Tuy, tiến độ ban đầu đặt ra là 24 tháng, vậy mà khởi công từ năm 2005 đến nay đã phải lùi tiến độ nhiều lần vẫn chưa xong. Theo Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, dự án hoàn thành trong thời gian 24 tháng: Đây là tiến độ thực hiện dự án với sự nỗ lực phấn đấu cao nhất trong các điều kiện lý tưởng, thuận lợi nhất và cũng là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp.

Trong khi cầu Thanh Trì có chiều dài ngắn hơn (cầu Thanh Trì dài 3.200m; cầu Vĩnh Tuy là 3.778m), chỉ có 6 nhịp liên tục (trong khi cầu Vĩnh Tuy 8 nhịp), mặt cắt ngang cầu chính 16m (so với 19,25m của cầu Vĩnh Tuy) mà mất 48 tháng thi công; cầu Yên Lệnh còn ngắn hơn nữa (2.000m) mà phải thực hiện trong 39 tháng; cầu Đuống (cầu Phù Đổng) vỏn vẹn 1.000m dài mà mất 36 tháng mới xong... Vậy ở cầu Nhật Tân dây văng hiện đại như vậy, phức tạp như vậy mà thi công trong 24 tháng là rất khó.

Trao đổi với phóng viên báo giớiị, ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng ban Điều hành Dự án cầu Nhật Tân khẳng định: Nhìn nhận một cách khách quan, dự án cầu Nhật Tân không thể hoàn thành vào cuối năm 2010 để Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong quá trình triển khai cây cầu này gặp vướng mắc ở các nút giao Phú Thượng - Vĩnh Ngọc và nút giao với đường 5 kéo dài. Tiếp sau đó, đến tháng 2/2007 mới mời tư vấn nước ngoài vào nên lúc đó các nội dung về kỹ thuật mới được thống nhất. Trong quá trình làm còn vướng mắc về khu đất của Bộ Quốc phòng ở vị trí cầu Nhật Tân đi qua nên đã phải mất nhiều thời gian để giải quyết.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, với tốc độ lập dự án, giải tỏa hiện nay, cầu Nhật Tân sẽ khó khởi công cuối năm nay và thông xe kỹ thuật đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định, đây là dự án quan trọng để giảm ùn tắc giao thông. Do vậy, Thành phố và Bộ GTVT phải quyết liệt giải quyết các vướng mắc GPMB. Mỗi tháng một lần, các quận, huyện và Ban quản lý dự án phải họp kiểm tra tiến độ các công trình.

Sau khi hoàn thành, cầu dây văng Nhật Tân sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực phía bắc sông Hồng và hoàn thiện tuyến vành đai 2, đảm bảo giao thông cho Thủ đô …

Theo Kinh Tế Đô Thị