Ngày 19.1, khánh thành cầu Rạch Miễu: Tạo “cú hích” cho xứ dừa bứt phá

Cập nhật 16/01/2009 14:20

Công trình cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) với huyện Châu Thành (Bến Tre) chỉ còn ít ngày nữa sẽ khánh thành, đưa vào khai thác (19-1).

Nhìn từ trung tâm thành phố Mỹ Tho, cầu Rạch Miễu tráng lệ dưới màu xanh mướt mắt đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước Nam bộ. Cầu hoàn thành không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy phát triển giao thương trong vùng mà còn khẳng định bước phát triển mới của ngành cầu đường nước nhà.

Cây cầu tự lực, tự cường

Cầu dây văng không phải quá xa lạ với người dân Việt Nam. Nhiều người đã từng nghe hoặc tận mắt chiêm ngưỡng cầu Mỹ Thuận, cầu Bãi Cháy, cầu Bính… thuộc "họ dây văng" nổi tiếng. Không có quy mô lớn như Mỹ Thuận, Bãi Cháy, nhưng cầu dây văng Rạch Miễu lại đặc biệt có ý nghĩa, bởi do người thợ cầu Việt Nam tự thiết kế, thi công.

Hơn thế, nguồn vốn xây dựng phần cầu chính không phải vốn ngân sách mà là vốn BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) của liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Cienco 5 và Cienco 6. Dù đã từng hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài thi công các công trình dây văng, nhưng đây vẫn là thách thức thực sự với những người thợ cầu Việt Nam.

Cienco 1, đơn vị giàu truyền thống của ngành được giao thi công phần quan trọng nhất, trong đó có hai trụ tháp cao hơn 106m. Ý thức đây là dự án lớn, phức tạp về kỹ thuật, Cienco 1 đã huy động hai đơn vị trực thuộc mạnh, giàu kinh nghiệm nhất là Công ty Cầu 12 (3 lần Anh hùng), Công ty Cầu 14 (2 lần Anh hùng) tới sông Tiền “tác chiến”.

Tại văn phòng Ban Điều hành dự án cầu Rạch Miễu của Cienco 1 ngổn ngang hồ sơ hoàn công, chờ ngày bàn giao, Giám đốc Lê Mạnh Bắc nhớ lại, lúc cao điểm nhất trên công trường có hơn 500 cán bộ công nhân viên tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm thi công cầu.

Phần công việc khó khăn nhất là thi công hai trụ tháp chính vượt sông. Mỗi trụ tháp có 20 cọc khoan nhồi đường kính 2m, sâu 88m. Khu vực thi công nước sâu, chảy xiết. Kẻ "ngoại đạo" có chút kiến thức giao thông như tôi cứ ngỡ hoàn thành hệ thống cọc khoan dày đặc thì coi như xong.

Vậy mà, thi công trụ tháp áp dụng công nghệ ván khuôn leo còn phức tạp hơn. Tháp trụ hình chữ A nghiêng, độ cao lớn nên yêu cầu về an toàn luôn là đòi hỏi hàng đầu. Khu vực thi công gần cửa biển nên gió lớn, đặc biệt vào mùa mưa, ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ. Một phần việc cũng hết sức phức tạp nữa là định vị ống dẫn hướng dây văng phải bảo đảm chính xác cho Công ty VSL (Thụy Sỹ) căng kéo cáp thuận lợi. Dẫn chúng tôi lên thăm cầu, những cán bộ ban điều hành không giấu nổi niềm vui và cả sự tự hào từ thành quả hơn 5 năm lao động miệt mài.

Bến Tre không còn là "tỉnh đảo"


Tỉnh Bến Tre có diện tích 2.315km2, hình thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long gồm sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên bồi tụ. Đặc điểm tự nhiên đó khiến Bến Tre như "tỉnh đảo", ngăn cách với các tỉnh lân cận bởi những con sông. Cầu Rạch Miễu, dài 8.331m, trong đó phần cầu chính dài 2.878m, rộng 15,7m đưa vào khai thác.

Ngày 19-1-2009 sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, xã hội khu vực, đặc biệt là xứ dừa, quê hương đồng khởi cách mạng nổi tiếng ngày nào. Cách đó không xa, những chuyến phà cuối cùng vẫn cần mẫn chở khách qua lại giữa Tiền Giang - Bến Tre.

Chỉ vài ngày nữa thôi, sứ mạng lịch sử của phà Rạch Miễu sẽ kết thúc, mở ra một trang mới cho vùng đất được dòng Tiền Giang vun đắp. Người thợ cầu vui một, người dân hai bên bờ vui mười. Người lái xe ôm già quê Nam Định chở tôi rong ruổi cả ngày cho biết, vào những ngày cao điểm, phà Rạch Miễu bị tắc xe kéo dài, có khi phải chờ cả tiếng đồng hồ.

Cầu chưa thông, nhưng không ít người dân háo hức, năn nỉ anh công an bảo vệ cho đi qua để chiêm ngưỡng cây cầu, ngắm quê hương từ một góc nhìn mới. Rạch Miễu thật tráng lệ nhưng vẫn duyên dáng, e ấp cùng hàng dừa xanh soi bóng sông Tiền.

Trên một chuyến phà, tôi nhận thấy thoáng buồn trong mắt những người công nhân từng gắn bó hàng chục năm trời với phà Rạch Miễu, bởi cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều sau ngày cầu chính thức hoạt động. Nhưng chút thoáng buồn ấy chợt tan biến để hòa cùng niềm vui của hàng triệu lượt người không phải hằng ngày chờ đợi qua sông.

Cầu Rạch Miễu không chỉ làm đẹp mà còn phá thế biệt lập cho Bến Tre, để quê hương xứ dừa bứt phá. Rạch Miễu cùng với hệ thống giao thông tại khu vực Đông Nam bộ đang dần hoàn thiện sẽ giúp rút ngắn thời gian giao thương, tạo ra "cú hích" cho cả vùng kinh tế, xã hội trọng điểm phía Nam phát triển.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới