Có tới hơn 300.000 người (khoảng 10% dân số Thủ đô trước khi mở rộng) đang sống trong những tòa chung cư cũ thuộc 23 khu tập thể lớn của Hà Nội. Thủ đô cũng dẫn đầu cả nước về số lượng chung cư cũ với 456 tòa nhà có tổng diện tích khoảng 1 triệu m2.
Điểm chung của các tòa chung cư cao niên ở Hà Nội là chất lượng chỉ còn ở mức trung bình và kém được xây dựng từ những năm giữa thế kỷ trước. Phần lớn các tòa nhà đều bị cơi nới để tăng thêm diện tích làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng tòa nhà. Bằng mắt thường, người ta có thể nhìn thấy nhiều chung cư bị lún gây biến dạng, nứt vỡ kết cấu gây thấm dột ở mái và khu vệ sinh. Hiện tượng phổ biến nhất ở các tòa nhà là cốt thép bị gỉ, ăn mòn, lớp vữa bảo vệ bong lở, vữa xây tường đã mủn gần hết...
Không chỉ có chất lượng nhà bị xuống cấp trầm trọng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại nhiều khu cũng đã bị hỏng do bùng nổ dân số. Lối đi nhỏ hẹp, luôn bị tắc nghẽn, sân chơi không có. Căn hộ thiếu ánh sáng, ẩm mốc, mùa đông lạnh, mùa hè lại quá nóng. Rác thải vứt bừa bãi bốc mùi hôi thối, dây phơi quần áo giăng khắp nơi, nước thải ứ đọng, côn trùng, chuột bọ hoành hành... nên, người dân sống tại các khu chung cư cũ luôn bị đe dọa bởi các căn bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng đường ruột và ngộ độc thực phẩm...
Tính nghiêm trọng, cấp bách của việc cải tạo chung cư cũ, người dân và chính quyền đều nhìn rất rõ. Thế nhưng, dù là địa phương “đi trước” cả nước về cải tạo chung cư cũ nhưng Hà Nội vẫn chưa đi tới đâu trong chặng đường xóa bỏ các tòa nhà cũ nát. ở các mức độ khác nhau, trong nhiều năm qua, thành phố từng xoay xở nhiều giải pháp, cách thức để “tăng tốc”, song, “chậm tiến độ”, “bế tắc” vẫn là những cụm từ gắn liền với các dự án cải tạo chung cư cũ.
Thậm chí, sở chuyên ngành từng đề xuất “dứt điểm” doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án “rùa” để đẩy tiến độ. Nhưng, ngay cả khi “thay tướng giữa dòng”, nếu những vướng mắc cũ không được tháo gỡ từ gốc, nhà đầu tư mới, doanh nghiệp mới có hăng hái mấy rồi cũng sẽ tiếp bước đi vào... ngõ cụt. Doanh nghiệp, nhà đầu tư thiệt hại khi dự án đổ vỡ chỉ là một chuyện, cơ hội cải thiện chỗ ở, điều kiện sống của người dân chung cư cũ bị bỏ lỡ mới là điều khó chấp nhận.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác đến năm 2015 phải hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp hoặc đã hết niên hạn sử dụng. HĐND TP Hà Nội cũng đã quyết nghị với nội dung và thời hạn tương tự. Nhưng, với những nút thắt chưa thể tháo gỡ về quy hoạch, cơ chế, chính sách GPMB, tái định cư, khả năng cân đối kinh tế của các dự án... Hà Nội liệu có tới đích đúng hẹn hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô