Ngập lại đe dọa sân bay Tân Sơn Nhất

Cập nhật 07/05/2018 09:34

Mùa mưa chưa tới nhưng sân bay Tân Sơn Nhất lại “đứng ngồi không yên” lo đối phó với ngập do các đường thoát nước hiện tắc cả trong lẫn ngoài.


Rác ngập kín kênh Hy Vọng, 1 trong 3 đường thoát nước chính của sân bay. ẢNH: HÀ MAI

Ùn trong, ứ ngoài

Báo cáo mới nhất về kết quả khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM gửi UBND TP.HCM, cho thấy không chỉ tắc nghẽn do rác từ bên ngoài, hệ thống thoát nước phía trong sân bay cũng còn nhiều vấn đề. Cụ thể, tuyến cống 1.000 mm từ khu vực Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất qua mương Nhật Bản có nhiều đoạn thoát nước kém do vướng chất thải xây dựng của nhiều đơn vị. Đặc biệt đoạn mương hở phía sau Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) có dấu hiệu xuống cấp, sạt lở.

Tiết diện và khẩu độ của hệ thống thoát nước phía trong sân bay cũng bị UBND Q.Tân Bình nhận định là không đồng bộ, việc kết nối với hệ thống thoát nước bên ngoài chưa tốt. Khu vực đỗ máy bay trong sân bay mặc dù cao hơn đường Phan Thúc Duyện (điểm đầu của tuyến mương thoát nước A41), nhưng nước không thể chảy tràn ra ngoài, do bị hàng loạt công trình gây cản trở. Phía bên phải sân đỗ máy bay có độ đáy cống thoát nước không phù hợp vì thấp hơn cao độ đáy cống bên ngoài. Khẩu độ cống tròn ở khu vực kho hàng có tiết diện nhỏ hẹp, không đảm bảo thoát nước...

Trong khi hệ thống thoát nước bên trong không đảm bảo, 3 hướng thoát nước chính phía ngoài sân bay cũng đang “khốn khổ” vì rác bủa vây, lấn chiếm lòng kênh, mương. Ghi nhận thực tế cho thấy hướng thoát nước về phía bắc qua kênh Hy Vọng, đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích (P.15, Q.Bình Tân) ngập kín rác tạo thành "dòng kênh" nổi lềnh bềnh toàn hộp xốp, túi ni lông, chai lọ, vật dụng gia đình và cả vật liệu xây dựng. Bà Hoành Thị Lài, đã hơn 20 năm sống tại khu vực này, cho biết: “Cứ mùa mưa tới, rác từ mạn phía trên kết thành từng bè chảy xuống. Cống nghẹt rác làm nước dâng lên, ngập hết 4 bậc tam cấp, có khi tràn vào cả nhà”.

Khu vực mương A41 đoạn chảy qua khu dân cư P.4, Q.Bình Tân cũng trong tình trạng tương tự. Nước mương đen ngòm, lòng mương bị lấn chiếm nghiêm trọng, bồi lấp nặng nề. Kết cấu bờ mương và lòng mương trước đây là 8 m và 6 m, sâu 3,5 m nhưng hiện nay có những chỗ chỉ còn chưa đến 0,5 m.

Dự án thoát nước cũng... tắc

Tình trạng tắc đường dẫn, nước thoát không kịp gây ngập nặng một số khu vực sân đỗ, đường lăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình cất, hạ cánh của máy bay. Thế nhưng, 2 dự án nạo vét, cải tạo đường thoát nước cho sân bay được trông đợi nhất vẫn đang nằm chờ.

Theo kế hoạch, dự án cải tạo mương A41 dự kiến khởi công vào cuối năm 2017, hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên, đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án này vẫn chưa hoàn thành. Đại diện UBND Q.Tân Bình cho biết có khoảng 179 hộ dân cư khu vực P.4 cần giải tỏa, nhưng việc giải tỏa tương đối khó khăn do hầu hết đất trong khu vực này là đất được cấp cho gia đình quân nhân, rất phức tạp về pháp lý. Mức độ lấn chiếm cũng rất nặng, có nhiều trường hợp lòng kênh “nằm gọn” trong hộ dân. Quận đang chờ thủ tục xét duyệt giá bồi thường từ Sở Tài chính.

Trong khi đó, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được UBND TP chỉ đạo thực hiện cấp bách từ năm 2013 nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TP phê duyệt. Tưởng chừng dự án sẽ được khởi công đúng như kế hoạch nhưng việc Ngân hàng Thế giới (WB) ra thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho dự án “Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM” khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng đi vào bế tắc. Hiện TP đang kêu gọi xã hội hóa để tìm nguồn vốn cho dự án.

Tăng cường nạo vét, vớt rác

Trả lời Thanh Niên, đại diện Phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm chống ngập cho biết giải pháp căn cơ là cần cải tạo hệ thống thoát nước bên trong hành lang bảo vệ sân bay (đoạn từ tường rào an ninh đến tường rào sân bay) nhằm đảm bảo đồng bộ với hệ thống thoát nước bên ngoài do TP quản lý. Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện việc cải tạo mương thoát nước A41 và kênh Hy Vọng để khơi thông dòng chảy.

GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng mùa mưa năm nay đến sớm, có bắt đầu thực hiện các dự án cải tạo ngay từ bây giờ cũng không thể kịp chống ngập cho sân bay. Vì thế, cần có các giải pháp tạm thời như khơi thông, nạo vét bùn cát tất cả các dòng chảy nhỏ, giải thoát dần dần từ thấp đến cao, bằng cả biện pháp thủ công lẫn máy móc. “Song song, cần nhanh chóng hoàn thiện các dự án đã có trong quy hoạch. Nghiên cứu giải tỏa, mở rộng các đường thông phía bắc vì đây là khu vực chứa rất nhiều kênh rạch cũ đang bị bồi lấp, cản dòng chảy thoát nước của sân bay hiện nay”, ông Lê Huy Bá đề xuất.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên