Theo quy định, ngành điện, nước phải có trách nhiệm kéo đồng hồ đến từng căn nhà, nhưng bấy lâu nay, chi phí này các chủ đầu tư đều phải "gánh", đồng nghĩa với việc "ông lớn" điện, nước được hưởng lợi lớn từ khoản đầu tư này.
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng kiến nghị về sự bất hợp lý trong đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước đến đồng hồ căn hộ dự án.
HoREA cho biết, đã nhiều lần báo cáo về việc các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản đã phải đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế; hệ thống đường ống cấp nước sạch đến đồng hồ căn hộ; sau đó, bàn giao toàn bộ tài sản này (làm tăng thêm nguồn tài sản bổ sung rất lớn) cho Công ty Điện lực, Công ty Cấp nước sở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh mà không được bồi hoàn.
Toàn bộ chi phí thực hiện các công trình này (chiếm khoảng 2-3% chi phí đầu tư của dự án) do doanh nghiệp bất động sản bỏ ra và được phân bổ vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.
Chưa nói toàn bộ giá trị các công trình điện, nước được các doanh nghiệp bất động sản bàn giao cho Công ty Điện lực, Công ty Cấp nước có giá trị rất lớn và cũng không rõ cơ chế hạch toán những tài sản đã được bàn giao này. Đây là điều bất hợp lý kéo dài nhiều năm qua bởi vì Công ty Điện lực, Công ty Cấp nước (tại TP.HCM, Tổng Công ty Điện lực Thành phố là doanh nghiệp nhà nước; các Công ty Cấp nước khu vực đều là doanh nghiệp cổ phần) cũng là những doanh nghiệp kinh doanh thì lẽ ra phải đầu tư hệ thống lưới điện, đường ống nước đến đồng hồ căn hộ để bán điện, bán nước cho người tiêu dùng.
Trong lúc các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực hạ tầng thông tin, truyền thông như điện thoại, truyền hình, internet... từ nhiều năm qua đã tự bỏ chi phí đầu tư hệ thống cáp quang, đường truyền để cung ứng dịch vụ cho khách hàng tại các dự án nhà ở.
Nếu các công ty điện lực, công ty cấp nước đầu tư toàn bộ hệ thống cấp điện, cấp nước này thì sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở có lợi cho người tiêu dùng, và mới có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp độc quyền.
Ngoài ra, ngành điện lý giải rằng, việc đầu tư hệ thống cấp điện là trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án bất động sản vì theo quy định tại khoản 3 điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản thì chủ đầu tư "Chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực"; và tại khoản 3 điều 17 Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ thì nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 là: "Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt".
HoREA cho rằng, lập luận này chưa chuẩn bởi vì Công ty Điện lực hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ điện phải tuân thủ theo Luật Điện lực 2004 là quy định pháp lý chuyên ngành điện, bởi lẽ tại khoản 3 điều 11 về đầu tư phát triển điện lực đã quy định: "Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện" và tại khoản (2.c) điều 41 về nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện đã quy định: "Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật với bên mua điện".
Theo HoREA, đối với dự án khu dân cư điển hình (có cả khu nhà ở thấp tầng, chung cư), chủ đầu tư dự án chỉ có trách nhiệm đầu tư xây dựng tuyến cáp ngầm trung thế đấu nối vào hệ thống lưới điện thành phố; xây dựng các trạm điện, lưới điện hạ thế ngầm và lắp đồng hồ điện cho từng nhà, từng căn hộ và bàn giao lưới điện này cho Công ty Điện lực sở hữu, quản lý vận hành để bán điện.
Sau khi đã nhận bàn giao hệ thống điện này, Công ty Điện lực có toàn quyền, kể cả việc di chuyển máy biến thế đã lắp đặt để bố trí sử dụng ở nơi khác nếu khu dân cư chưa sử dụng hết phụ tải.
Chủ đầu tư dự án cũng đầu tư xây dựng đường ống nước đấu nối vào hệ thống cấp nước sạch của thành phố; xây dựng đường ống nước, lắp đồng hồ từng nhà (đối với khu nhà thấp tầng), hoặc xây dựng đường ống nước đến bể chứa nước của chung cư, lắp đồng hồ tổng và bàn giao hệ thống cấp nước này cho Công ty Cấp nước sở hữu, quản lý vận hành, kinh doanh.
Đối với chung cư thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường ống cấp nước đến đồng hồ căn hộ và Ban quản trị chung cư chịu trách nhiệm thu tiền nước của từng hộ dân để trả cho Công ty Cấp nước.
Riêng tại TP.HCM, Công ty Cấp nước bán nước qua đồng hồ tổng và trích lại 10% cho Ban quản trị chung cư (Mức trích này còn thấp chưa đủ trả chi phí quản lý vận hành và thất thoát, nếu so sánh với tỷ lệ thất thoát nước sạch tại thành phố là 38,45% - số liệu năm 2012 của Sawaco).
Chính vì vậy, HoREA đề nghị Công ty Điện lực và công ty cấp nước bán phải đầu tư toàn bộ hệ thống lưới điện đến đồng hồ từng căn nhà, căn hộ để bán điện cho người tiêu dùng, tương tự như cách làm của các doanh nghiệp điện thoại, truyền hình, internet, để người mua nhà không phải gánh chi phí bất hợp lý này.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News