Ngang qua vùng đất 'sốt'

Cập nhật 11/07/2019 11:00

Đó là những vùng giá đất tăng từng ngày, cơn sốt giá đất đi qua kèm những xáo trộn cuộc sống và để lại hệ lụy lâu dài.

Nơi này (P.Lộc Phát, TP Bảo Lộc) trước là đồi chè xanh ngát, nay là đất hoang, đô thị tương lai chưa biết bao giờ mới hình thành - Ảnh: H.CHƯƠNG

Câu chuyện này ở quê tôi, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, nơi giá đất đang tăng chóng mặt...

Người người làm "cò" đất

Trang Facebook cá nhân của một số giáo viên địa phương tôi, bên cạnh trao đổi chuyên môn là nóng thông tin giao dịch đất đai. Không ít thầy cô giáo ngoài giờ dạy còn làm thêm nghề "cò" đất. Có vài giáo viên có tiếng trong giới "cò" đất ở địa phương.

Mỗi tháng, tìm mối bán được một mảnh đất là sống khỏe với 2% phí môi giới. Có thầy bán đất nhà mình, giới thiệu bán vài miếng khác, tậu được nhà tiền tỉ. Mừng cho thầy, nếu không có cơn sốt đất, với lương giáo viên, hai vợ chồng còn lâu mới mua được nhà. Nhưng...

Một người quen của tôi, tốt nghiệp đại học hơn chục năm trước, có việc làm ổn định ở TP.HCM nhưng em bỏ về quê, mua vườn trồng cà phê, chè, nuôi heo, trồng dâu nuôi tằm. Nhờ siêng năng, mấy năm sau trả hết nợ, mua được nhà, sắm ôtô.

Giờ giá cà phê, giá kén, giá heo biến động, làm ăn khó khăn. Trong cơn lốc giá đất cũng bỏ làm vườn, bán cả trại heo, gom vốn chuyển hướng đi mua bán đất. Qua cơn sốt em sẽ thế nào đây?

Địa phương tôi, những tháng ngày này đang nóng vì "cò" đất. Đi đâu bây giờ cũng đụng "cò". Có nhà treo biển bán đất, lập tức hôm sau bị gỡ bỏ hoặc biển còn đó nhưng số điện thoại của "chính chủ" được bôi đen, thay bằng số điện thoại của "cò" đất.

Nhiều người dân ngao ngán: vì lợi nhuận, những người làm nghề "cò" đất không từ chiêu thức nào, kể cả tung tin giả. Giá đất tăng chóng mặt có khi không phải do nhu cầu thực tế mà do "cò" thổi giá.

Đội ngũ những người làm nghề này ngày càng đông. Họ gồm những người làm nghề mua bán, lao động tự do, nông dân, công chức, viên chức... Nông dân không chí thú với việc nuôi trồng, công chức lơ là việc cơ quan? Có người mạo hiểm vay tiền mua đất, tiềm ẩn rủi ro và thiệt hại cho gia đình, xã hội.

Còn gì sau cơn sốt?

Ngày 8-4-2010, thị xã Bảo Lộc được nâng cấp lên thành phố Bảo Lộc. Năm đó từng có một đợt sốt giá đất, người dân ùn ùn bán đất. Đô thị hóa, vườn cây công nghiệp thu hẹp dần. Nhiều người có tiền rủng rỉnh nhờ bán đất và nhờ làm môi giới mua bán đất.

Nhưng cũng không ít người dồn hết tiền mua đất để "đầu cơ" nhưng giá đất cứ "giậm chân tại chỗ", có người phải bán nhà cửa để trả nợ ngân hàng, khánh kiệt bần cùng.

Sau nhiều năm im ắng, gần đây giá đất Bảo Lộc đột nhiên tăng nóng! Cơ quan, công sở, quán xá..., nơi đâu cũng nghe bàn tán giá đất. Từ khu trung tâm đến các xã, phường vùng ven, nơi nào giá đất cũng tăng vùn vụt.

Ông X. mua mảnh đất 300 triệu đồng, hai hôm sau có người đến hỏi mua 450 triệu đồng; bà Y. mua mảnh vườn 1 tỉ đồng, ba tháng sau có người đến hỏi mua với giá 1,8 tỉ đồng.

Những dự án gắn mác "Bảo Lộc city" được quảng cáo rầm rộ. Đất trồng chè, cà phê bị đốn bỏ, những con đường trải nhựa, hàng cột điện... mọc lên.

Từ giá khởi điểm vài trăm triệu đồng nay hơn tỉ đồng/lô đất, không rõ ai mua, dự án cũng không thấy xúc tiến xây cất. Chỉ thấy những căn hộ làm mẫu trơ trọi, mặt đất nền phân lô thì cỏ dại mọc đầy. Đâu rồi đồi chè xanh rì trước đây? Và cư dân mới đến cũng chưa thấy bóng.

Thành phố mát mẻ quanh năm này có nhiều suối hồ trữ nước tự nhiên. Trong cơn lốc giá đất, có nơi người ta đổ đất lấp suối, san nền, phân lô... chờ bán. Mưa xuống, nước chẳng biết chảy về đâu, vậy là ngập.

Ngập cũng vì đất tăng giá. Khu đồi Ty (ven đường Nguyễn Thái Bình, phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) xưa bình yên đồi chè bạt ngàn, nay cứ râm ran giá 1 tỉ đồng/ sào, và... để đấy chờ tăng giá vì nghe đâu nơi đây sẽ là khu đô thị tương lai. Những đồi chè chập chùng, cà phê xanh mướt ở phường Lộc Sơn, khu vực gần thác Đambri nay xôn xao mua bán đất dự án, đất làm biệt thự nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái...

Vùng đất Bảo Lộc khí hậu mát mẻ quanh năm với những đồi chè, cà phê, vườn dâu, vườn cây ăn trái vang bóng một thời níu chân du khách. Giá trị của vùng đất này rồi còn giữ được gì sau mỗi đợt sốt đất, khi người dân nơi này không còn đất, khi đất trồng đang bị xẻ nát vì những dự án chưa rõ dạng hình?!

Đi liền với câu chuyện nóng giá đất này là những bi kịch gia đình (con cái hư hỏng, bạc đãi cha mẹ sau khi có nhiều tiền), xã hội không yên bình như xưa khi tệ nạn nhiều hơn trước...

Giá trị đất không phải ở giá đất

Giá trị của một vùng đất là cuộc sống bình yên, là sản vật người dân nuôi trồng ở đó. Hiếm nơi nào có được khí hậu tốt và những ngành nghề truyền thống như Bảo Lộc, ưu thế nổi trội này cần được kế thừa, phát triển, và, trên nền tảng quản lý nhà nước.

Quy hoạch đô thị hóa là xu hướng tương lai nhưng triển khai thế nào là cả một chặng đường dài của sự đầu tư tâm - trí - lực. Trong đó, giữ ổn an ninh trật tự địa bàn để bà con yên tâm sản xuất, giữ được giá trị mỗi vùng đất là điều không thể buông trôi.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ