Ngăn tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Cập nhật 10/10/2013 13:18

Các bộ, UBND không được trực tiếp làm chủ đầu tư, chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

    Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) mới đây, nhiều bất cập trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng đã được các đại biểu đề nghị xóa bỏ.

    Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho rằng, theo quy định hiện hành, đối tượng làm chủ đầu tư dự án công được quy định khá “mở”, điều này góp phần làm “nở rộ” các cơ quan làm chủ đầu tư. Đáng ngại hơn, trong số đó, nhiều chủ đầu tư yếu cả về kinh nghiệm chuyên môn lẫn tổ chức quản lý dự án, dẫn đến công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, giá thành bị đội lên cao.

    Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tới

    Theo ông Long, mỗi chủ thể khi tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những sản phẩm, kết quả công việc được giao. Đối với dự án đầu tư công, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn và hướng tới xây dựng tổ chức chuyên nghiệp làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công tương tự như kinh nghiệm của các nước phát triển.

    Thời gian qua đã xuất hiện những loại hình dự án do doanh nghiệp đầu tư nhưng sử dụng nguồn vốn nhà nước hoặc tỷ trọng vốn nhà nước chiếm đa số. Về bản chất, đây là các dự án sử dụng vốn nhà nước nhưng đã được biến thể thông qua các chủ đầu tư là doanh nghiệp, nên mức độ quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng đều bị giảm đáng kể qua tất cả các khâu, từ thẩm định, phê duyệt, dự toán đến quản lý quá trình thực hiện dự án.

    Theo ông Long, vấn đề đặt ra là, nếu dự án được sử dụng nguồn vốn của Nhà nước là chủ yếu, tại sao lại không áp dụng các quy định về phân cấp quyết định đầu tư và chủ đầu tư tương tự như các dự án sử dụng nguồn vốn NSNN. Hoặc nếu vì các điều kiện khống chế của nhà tài trợ hay nhà cung cấp vốn, mà Nhà nước buộc phải giao các doanh nghiệp làm chủ đầu tư, thì cũng rất cần được đưa ra các quy định trong Luật sửa đổi và hệ thống văn bản nghị định, thông tư kèm theo.

    “Nếu những quy định này được đưa vào Luật sửa đổi sẽ khắc phục được tình trạng phổ biến hiện nay là các chủ đầu tư ‘hờ’, sau một thời gian triển khai dự án sẽ tiến hành các hoạt động ‘vận động hành lang’ để thay đổi các tiêu chí, kể cả những tiêu chí quan trọng đã được phê duyệt trong dự án”, ông Long nhấn mạnh.

    Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đề nghị, các bộ, UBND không trực tiếp làm chủ đầu tư, chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và quản lý nhà nước tại các dự án. Chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý khai thác sử dụng công trình sau này với các hình thức quản lý như tự thực hiện, thành lập Ban quản lý… Làm như vậy sẽ hạn chế được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như lâu nay vẫn đang xảy ra.

    Về quy định lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng, ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung đưa vào Dự thảo Luật quy định về giá gói thầu. Hiện nay, giá gói thầu không phản ánh đúng chi phí nhà thầu bỏ ra, đã làm thiệt hại kinh tế không chỉ cho các doanh nghiệp, mà đối với cả Nhà nước. Bởi trong nhiều trường hợp, dù đã được bỏ thầu trọn gói, nhưng sau đó Nhà nước vẫn phải điều chỉnh tổng mức đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

    “Tôi kiến nghị nên đưa yếu tố trượt giá vào dự toán mà không để trong dự phòng như quy định hiện nay”, ông Cận nói và cho rằng, dự phòng chỉ nên dùng cho yếu tố phát sinh khối lượng.

    Cho rằng trên thế giới không có một quốc gia nào gọi là “quy hoạch xây dựng”, ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, cần rút hẳn những quy định liên quan để xây dựng thành 2 luật mới là Luật Quy hoạch vùng và Luật Quy hoạch nông thôn.

    “Phương án này sẽ phù hợp với quá trình ‘khu biệt hóa’ các luật theo thông lệ quốc tế”, ông Hải nói.

    Tiếp thu các ý kiến trên, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, sẽ sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán