Ngân sách thất thoát lớn từ đất đai

Cập nhật 11/07/2019 10:00

Kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cho thấy còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, tham nhũng...

Ảnh minh họa

"Kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cho thấy còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, tham nhũng", Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau, dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở để thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất khu đô thị.

Chưa tính đúng, tính đủ tiền thuê đất

Thực trạng trên thể hiện ở việc điều chỉnh quy hoạch sai thẩm quyền; sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất. Cụ thể, nhiều địa phương ban hành quyết định thu hồi đất khi dự án chậm triển khai sai thẩm quyền.

Ví như tại Tp.Đà Nẵng: UBND quận Liên Chiểu tự giao đất cho 2 dự án đầu tư Trường Đào tạo du lịch và dịch vụ trên đất thuê 50 năm (20.438m2) từ năm 2009 đến nay chưa triển khai, UBND quận đã ban hành 2 quyết định thu hồi đất 2 dự án này không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 37 Luật Đất đai 2003 và Điều 66 Luật Đất đai 2013 mà chưa đề xuất UBND thành phố rút giấy phép đầu tư theo đúng quy định.

Tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, một số công ty, hộ dân sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất nhưng các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp xử lý theo quy định. Một số đơn vị sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh hoặc diện tích sử dụng thực tế cao hơn so với hợp đồng thuê đất nhưng địa phương chưa lập bộ tiền thuê đất theo quy định.

Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất đối với trường hợp hết chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất theo quy định; còn chênh lệch giữa thời gian sử dụng đất và thời điểm tính tiền thuê đất theo hợp đồng thuê đất dẫn đến thiếu tiền thuê đất phải nộp (Cục Thuế; Chi cục Thuế Sa Pa).

Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư điều chỉnh quy hoạch nhưng chưa xác định giá đất sau điều chỉnh quy hoạch để huy động vào ngân sách; xác định giá đất thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá hoặc giá khởi điểm đối với trường hợp giao đất qua đấu giá còn thấp hơn giá đất tại bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.

Chưa xác định lại tiền thuê đất phải nộp đối với các đơn vị được Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm nhưng đơn vị cho thuê lại theo hình thức thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trước ngày 1/7/2014 theo quy định tại Nghị định số 135/CP. Việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp hoặc đất được quy hoạch là đất trồng cây xanh cũng khá phổ biến.

Sử dụng đất không hiệu quả

Kết quả kiểm toán còn chỉ rõ, hầu hết các khu đất doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây nên thất thoát ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn, song chưa được bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ.

Nhiều diện tích đất chưa sử dụng như: Tổng công ty Khánh Việt 286 ha; PVFCCo 24,39 ha; Sawaco 18,92 ha; VNPT 7,01 ha; VNPost 1,92 ha; VNS 1,63 ha; Samco 0,21 ha; Vinapharm 2 lô đất tại Khu công nghiệp Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng...;

Hoặc sử dụng không hiệu quả như: Công ty mẹ - Satra 2 khu đất đã được UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chậm triển khai thực hiện; HFIC: 37 địa chỉ nhà đất kinh doanh trống, chưa cho thuê; Becamex: 1.370,35 ha đất thương phẩm chưa cho thuê.

Dự án Trung tâm thương mại The Green River hiện đang tạm dừng đầu tư do mật độ dân cư hiện nay thấp; Viglacera 353,7 ha đã giải phóng xong mặt bằng nhưng chưa cho thuê được.

Hoặc sử dụng không đúng mục đích như Sagri 140,08 ha; Sawaco 3,57 ha; HFIC 0,33 ha; Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn 0,01 ha; VNS 0,05 ha; PVN: PVD, PVOIL Vũng Tàu, Petro Mekong; đất bị lấn chiếm, tranh chấp như Sagri 23,51 ha; HFIC 0,55 ha; VNPT 0,12 ha; VNPost 0,14 ha; Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn 0,04 ha; Satra 0,12 ha; Sawaco 40,562 ha (19 khu đất); nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước, tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định, bao gồm: PVOil; VNPT: VNPT Tp.HCM, VNPT Lâm Đồng, VNPT Gia Lai, VNPT Đắk Lắk; VNPost: Bưu điện Tp.Cần Thơ, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn, Bưu điện Tp.Hà Nội, Bưu điện Tp.HCM, Bưu điện tỉnh Kiên Giang; Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5...

Qua kiểm toán 7 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai; tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước...

DiaOcOnline.vn – Theo….