Ngăn nhà siêu mỏng từ quy hoạch

Cập nhật 11/06/2014 09:51

Không chỉ tại Hà Nội, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo cũng là vấn nạn tại TP Hồ Chí Minh, trở thành câu chuyện “muôn thuở” của các đô thị trong quá trình mở rộng, phát triển. Sự xuất hiện những căn nhà siêu mỏng đã khiến cho bộ mặt kiến trúc đô thị trở nên xấu xí. Theo nhiều chuyên gia, tình trạng này là hậu quả của sự quy hoạch thiếu đồng bộ.

Làm xấu cả con đường

Con đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp đến nút giao Bình Triệu, quận Bình Thạnh) là tuyến đường nằm trong dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài với chiều dài khoảng 5 km. Kể từ khi thông xe vào cuối tháng 9/2013, con đường này được xem là tuyến đường nội đô đẹp nhất của TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng chính những căn nhà kì dị, méo mó, đủ hình dạng nằm rải rác dọc hai bên đường đã tạo nên một bức tranh đô thị nhếch nhác, luộm thuộm.

Một ngôi nhà kì dị trên đường Phạm Văn Đồng, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Đức

Nguyên nhân hình thành những căn nhà siêu mỏng là do người dân xây dựng nhà trên phần diện tích đất ít ỏi còn lại sau khi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Có những phần diện tích đất bề ngang rộng gần 4 mét nhưng bề sâu của căn nhà chỉ hơn 1 mét, hoặc bề ngang lên đến 5 mét nhưng bề sâu có cạnh 3 mét và cạnh còn lại chỉ vào khoảng hơn 1 mét... Chính vì vậy, những căn nhà mỏng, có hình thù tam giác, tứ giác rất quái dị đã được hình thành.

Theo Quyết định 45 năm 2009 của UBND TP Hồ Chí Minh, nếu lô đất có diện tích từ 15 m2 đến dưới 36 m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m trở lên thì được phép cải tạo sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu hoặc xây dựng mới tối đa hai tầng. Xét theo quy định này thì hầu hết những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường Phạm Văn Đồng đều không đủ tiêu chuẩn.
 

Chẳng hạn trên đường Phạm Văn Đồng có đến hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Ngay tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn mở rộng đã xuất hiện đến 3- 4 căn nhà siêu mỏng, cao lêu nghêu. Dọc tuyến phố này, có ngôi nhà 2 tầng lầu nhưng bề rộng chỉ có hơn 1 mét. Để mở rộng diện tích, chủ nhà đã xây lan can lấn không gian. Nhiều người dân sống quanh khu vực này cho biết, từ khi xây xong, căn nhà này luôn được khóa trái cửa.

“Căn nhà mỏng đến mức chỉ để được một chiếc xe máy và phần diện tích còn lại chỉ đủ cho một người. Tôi không hiểu chủ nhà xây ngôi nhà này để làm gì rồi lại bỏ không như vậy”, chị Nguyễn Thị Tú, người dân sống gần ngôi nhà này bức xúc.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trên toàn tuyến Phạm Văn Đồng có 136 trường hợp nhà, đất có diện tích nhỏ hơn 15 m2 sau khi giải phóng mặt bằng trải dài ở các quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh và Thủ Đức.

GS. TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường đánh giá: “Chính cách làm cứng nhắc của các ban, ngành liên quan khi giải tỏa mở đường giao thông đã để lại những mảnh đất thừa thẹo, từ đó tạo thành những ngôi nhà méo mó, kỳ dị, gây mất mỹ quan thành phố. Đáng lý ra, những khu đất quá nhỏ, méo mó cần phải được tính toán ngay từ khi lập phương án mở đường. Những mảnh đất nhỏ đó phải được thu hồi và có thể tổ chức thành bồn hoa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng... Nếu làm được như vậy sẽ giúp thành phố tiết kiệm một khoản chi phí thu hồi đất khá lớn cho tương lai và không tiếp tục xáo trộn trong cuộc sống của người dân”.

Không để phát sinh nhà siêu mỏng

TS, KTS Đỗ Phú Hưng, Trưởng khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng là nhằm giải quyết bài toán giao thông nối ra nút giao thông Bình Triệu và trong tương lai còn sẽ có bến xe điện trên cao, dời hệ thống đường tàu lửa đang cắt ngang đường đô thị ra ngoài. Đó là quy hoạch giao thông nhưng chỉ là quy hoạch ngành, chưa gắn được với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và còn những quy hoạch khác”.

Mặt khác, theo TS Đỗ Phú Hưng, do đang đứng trước những khó khăn về nguồn vốn, nên thành phố triển khai các dự án theo thứ tự ưu tiên. “Vấn đề giao thông được ưu tiên thì chúng ta cứ làm trước. Việc giải tỏa ngoài ranh để không phát sinh những mảnh đất nhỏ là hợp lý nhưng có thể làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, điều này khiến dự án giao thông bị chậm.

Để giải quyết tận gốc những ngôi nhà siêu mỏng, cần nguồn vốn rất lớn. Nếu nguồn lực từ Trung ương, địa phương và cả người dân chưa đủ thì cần phải có khoản viện trợ, nguồn vốn vay từ nước ngoài. Nhưng quan trọng nhất là cần phải có sự kết hợp giữa các ngành quy hoạch, để tạo ra một kế hoạch hành động cụ thể cho từng ngành...”, TS Hưng cho biết.

Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đã công bố đồ án thiết kế đô thị chi tiết và quy định quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan dọc theo 3 tuyến giao thông trọng điểm là Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng và đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Theo đó, thiết kế đô thị của ba trục đường nói trên sẽ tác động đến việc cấp phép xây dựng, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, bởi khi người dân xin cấp phép xây dựng thì sẽ được cơ quan chức năng định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan tại đồ án thiết kế đô thị. Và đương nhiên, cơ quan này sẽ từ chối cấp phép cho những trường hợp khu đất quá nhỏ, hẹp, khuyến cáo người dân phải hợp khối để đủ điều kiện cấp phép.

Tuy nhiên, GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng, những căn nhà siêu mỏng đã phát sinh do thiếu quy chế quản lý kiến trúc từ trước thì sẽ rất khó xử lý. Đây một lần nữa lại là bài học cho công tác quy hoạch xây dựng, giao thông vốn đang rất lộn xộn ở nước ta.
 

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội):

Theo tôi, các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần phải quản lý được quy hoạch đô thị để hạn chế, tiến tới chấm dứt sự xuất hiện của loại nhà siêu mỏng, siêu méo, tạo mỹ quan cho bộ mặt đô thị. Đây không chỉ là vấn đề của riêng hai thành phố mà là vấn đề mỹ quan của cả nước. Bởi khách du lịch, khi đến Việt Nam, họ thường đến hai thành phố này. Theo tôi biết, quan điểm của lãnh đạo Hà Nội là dứt khoát không cho tồn tại những nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn Thủ đô.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội):

Linh hoạt trong quy hoạch Trước ý kiến của người dân về sự tồn tại của các nhà siêu mỏng, siêu méo gây mất mỹ quan đô thị, Hà Nội đã triển khai các biện pháp xử phạt. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn vì phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Theo tôi, Bộ Xây dựng và các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội phải thống nhất trong việc đưa ra các biện pháp xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; quy định diện tích đất tối thiểu là bao nhiêu thì mới được xây nhà. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế ở từng địa bàn, Hà Nội nên có những quy định về diện tích tối thiểu được phép xây nhà, chứ không nên quy định một cách cứng nhắc. Đối với những khu phố cổ, thành phố cũng nên nghiên cứu, đưa ra quy định thông thoáng, linh hoạt hơn cho người dân. Bởi nếu cứ quy định diện tích đất phải là 25 hay 30 m2 thì mới được xây nhà thì sẽ gây khó cho người dân. Còn riêng với những khu vực khác, đặc biệt là những tuyến đường mới mở thì dứt khoát phải thực hiện nghiêm, không cho phép nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức