“Ngán ngẩm” nhà tái định cư

Cập nhật 07/04/2016 13:35

Thống kê của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, toàn TP hiện vẫn còn hơn 20.000 nhà dân sống ven và trên kênh rạch, sẽ phải di dời trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay cả những hộ đã được bố trí khu tái định cư (TĐC) trước đó, cũng chưa an cư. Nhiều hộ quay về nơi ở cũ vì “chê” nhà TĐC.

Dù có chỗ ở mới ổn định nhưng do thiếu điều kiện kinh tế và hạ tầng chất lượng thấp khiến người dân chê nhà tái định cư. Ảnh: Bảo Chương

Tiền nào của nấy

Dự án chung cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) được xem là một “đại dự án nhà tái định cư” có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, chủ yếu cho những hộ dân bị di dời từ ven kênh rạch với gần 2.000 căn hộ và hơn 500 nền đất. Mặc dù dự án đã được hoàn thành từ gần 5 năm nay nhưng đến nay số lượng dân nhận nhà và dọn về sống rất ít.

Theo đại diện Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích huyện Bình Chánh - nơi nhận quản lý các lô chung cư kể trên - hiện đã nhận bàn giao giai đoạn 1 (từ BQL đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị thành phố) 22 lô chung cư với 940 căn hộ. Trong số đó, công ty đã bàn giao 115 căn nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 100 hộ vào ở. Có lô chỉ có độc nhất 1 hộ. Theo ông Lê Thanh Liêm - GĐ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM (BQL), mặc dù công trình đã được bàn giao 5 năm nay nhưng số người dân nhận nhà và về ở rất ít. Số căn hộ không sử dụng trong một thời gian dài đã bị xuống cấp nhiều, cửa nẻo bị mối mọt, hư hỏng. BQL có văn bản báo cáo Sở Xây dựng, mong muốn UBND TP làm sao bố trí dân vào ở để tránh lãng phí. Việc người dân ít vào ở đã không đủ nguồn thu phí bảo trì 2% để vận hành tòa nhà, dẫn đến xuống cấp. Theo ghi nhận của PV, hầu như các lô chung cư trong khu TĐC đều xảy ra tình trạng sụt lún vỉa hè, trần nhựa trên nhà gắn sơ sài, tường trong một số căn hộ bị thấm nước, hệ thống dây điện nằm sát ban công… Chưa kể, hạ tầng xung quanh khu vực cũng không đáp ứng đủ yêu cầu sống của người dân. Đường chính đi vào khu dân cư hiện nay vẫn là đường tạm và đầy sình lầy.

Mặc dù có khá hơn là được sống ở dự án ngay trong trung tâm thành phố nhưng đã 19 năm nay, hơn 200 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu thuộc diện TĐC khi giải tỏa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sống ở chung cư 234 Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh vẫn phải tập quen với việc sử dụng nước giếng và hằng ngày đi xách từng can nước máy về nấu ăn, sinh hoạt. Cụ thể các hộ dân từ tầng 1 trở lên phải dùng nước giếng khoan. Hằng ngày mọi người phải mua nước từ các hộ ở tầng trệt để nấu ăn vì chất lượng nước ngầm tại khu vực này không đạt tiêu chuẩn quy định, nước giếng chỉ có thể dùng cho các việc như tắm, giặt... Được biết, vấn đề nước sạch của chung cư đã được đề cập rất nhiều lần trước đây nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Năm 1997, khi chủ đầu tư di dời 144 hộ dân về TĐC ở đây, đã có cam kết là thời gian đầu tạm sử dụng nước giếng khoan, sau đó sẽ cung cấp nước máy.

Có nhà mới nhưng lại mất việc

Vấn đề đau đầu nhất hiện nay trong câu chuyện người dân chê nhà TĐC chính là câu chuyện làm thế nào để sống tại nơi ở mới.

Chung cư Tân Mỹ, phường Tân Phú, quận 7 là một trong hai chung cư được TPHCM bố trí TĐC cho người dân thuộc dự án giải tỏa nhà ven và trên rạch Ụ Cây, quận 8 (giai đoạn 1), một trong những dự án chỉnh trang đô thị lớn được TPHCM thực hiện từ năm 2009. Hàng trăm hộ dân được bố trí TĐC trong những căn hộ chung cư khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, tới nay phần lớn người TĐC đã bán lại căn hộ của mình để tìm nơi khác sinh sống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người dân sống ven rạch Ụ Cây trước đây là lao động nghèo. Họ kiếm sống bằng cách bám vào các chợ truyền thống, các kho bãi, đã quen địa bàn cũng như các mối làm ăn. Do đó, khi chuyển đến một nơi khác xa hơn, người dân không thể tìm được việc làm ổn định nên dần dần tìm cách quay về chỗ cũ sinh sống.

“Bà con ở đây chủ yếu là dân lao động nghèo, ít chữ nghĩa, chỉ biết bốc xếp, buôn thúng bán bưng, nhặt nhạnh ve chai để sống qua ngày. Lên chung cư biết làm gì để sống? Gạo không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, không có công ăn việc làm nên không lấy đâu ra tiền để trả tiền nhà hằng tháng. Đã vậy khi vào ở nhà chung cư, chúng tôi lại bị gánh thêm nhiều khoản chi phí của nhà chung cư” một người dân ở đây than thở.

Nói về khu TĐC Vĩnh Lộc B, bà Bùi Thu Tuyết (62 tuổi) cho biết chuyển đến đây từ năm 2013 theo diện tái tạm cư của dự án chống sạt kênh đôi ở phường 4, quận 8. Trước đây, bà Tuyết buôn bán nhỏ ở chợ, chồng làm thợ hàn, cuộc sống tạm đắp đổi qua ngày. Từ khi chuyển đến khu TĐC, công việc cũng mất, cuộc sống càng thêm khó khăn. “Ở đây mọi người không có việc gì làm nên chỉ biết mở quán nước kiếm sống. Tuy nhiên, hầu hết các quán đều rất ế ẩm vì rất ít người, thỉnh thoảng mới có một vài khách từ nơi khác đến quán. Chúng tôi rất biết ơn lãnh đạo thành phố khi đưa chúng tôi về một môi trường sống tốt hơn, tuy nhiên cũng mong được lãnh đạo thành phố quan tâm nhiều hơn đến đời sống mưu sinh của người dân”, bà Tuyết cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động