Thị trường bất động sản đóng băng làm cho các nhà đầu tư thứ cấp đang đứng trước nguy cơ phá sản cao hơn các chủ đầu tư dự án. Vì sao lại nhận định như vậy? Gốc rễ là câu chuyện dòng vốn. Khi triển khai dự án, các chủ đầu tư dự án chỉ "bỏ" ra khoảng 10% giá trị dự án, số còn lại vay ngân hàng và huy động từ khách hàng, từ nhà đầu tư thứ cấp (họ cũng đi vay ngân hàng). Các khoản vay đầu tư bất động sản đã được đánh động thu hồi khi Chính phủ yêu cầu sắp xếp lại các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, sau chính sách thắt chặt tiền tệ và hạn chế cho vay đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực phi sản xuất, thị trường bất động sản đã suy yếu. Hàng loạt công trình xây dựng đang bị đình đốn, giãn tiến độ. Nhiều dự án nhà ở giảm giá mạnh từ 30 đến 40%, thậm chí có nơi chỉ còn 15,5 triệu đồng/m2. Vừa khó cạnh tranh với các dự án mới, vừa khó huy động được nguồn lực để tái đầu tư, còn nếu giảm giá, sẽ khó xử với các khách hàng đã mua đợt đầu.
Trước những lo ngại từ vấn đề trên, Bộ Xây dựng đã lập Ðề án tăng vốn pháp định đối với các doanh nghiệp bất động sản. Bởi, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, các tổ chức, cá nhân chỉ cần có vốn tối thiểu sáu tỷ đồng là có thể được đăng ký thành lập công ty bất động sản. Vì thế, các công ty bất động sản "mọc lên như nấm" với những tên hiệu rất hoành tráng, là không có gì khó hiểu, song tài sản chẳng có gì ngoài khoản sáu tỷ đồng vốn pháp định theo đăng ký. Thế mới xảy ra tình trạng, các doanh nghiệp bất động sản cứ... "tay không bắt giặc" trong suốt thời gian qua, tạo nên những rối loạn và nhiều tiêu cực trên thị trường.
Theo như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc tăng vốn pháp định sẽ hạn chế những bất cập trên và làm cho thị trường minh bạch, ổn định hơn.
Câu chuyện ngân hàng và bất động sản còn "nóng" hơn, khi tại hội trường Quốc hội ngày 27-10 vừa qua, có đại biểu phát biểu ý kiến: Một ngân hàng có vốn khoảng nghìn tỷ khi mới thành lập huy động thêm khoảng 10.000 tỷ nữa sau đó nhẹ nhàng rút tiền của mình ra rồi lấy 10.000 tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản. Giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi, thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao. 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người trước, đẩy lạm phát lên cao.
Vấn đề trên được nhiều người và các cơ quan quản lý quan tâm. Một chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, thực tế, Luật Các tổ chức tín dụng trước khi sửa đổi và hiện hành đều có những quy định rất nghiêm ngặt đối với việc cho phép các ngân hàng thương mại tham gia đầu tư vào bất động sản. Theo đó, luật quy định tổ chức tín dụng không được trực tiếp kinh doanh bất động sản (trừ một số trường hợp sẽ được quy định cụ thể).
Tình trạng đầu tư phát triển dự án ồ ạt, khi thị trường sụt giảm, nguồn cung thừa, sản phẩm ứ đọng... giá bán sẽ giảm. Nhưng sau đó, thị trường không phục hồi được sẽ là một đợt đại hạ giá. Lúc đó sẽ xảy ra tình trạng bán toàn bộ dự án, xin phá sản doanh nghiệp, mua bán sáp nhập doanh nghiệp... Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết tháng 6-2011, dư nợ bất động sản chiếm gần 10% dư nợ toàn hệ thống, trong đó tỷ lệ nợ xấu chiếm 3% trên tổng dư nợ của lĩnh vực này. Có ngân hàng dư nợ bất động sản chiếm 30 đến 40% trên tổng dư nợ, cá biệt có ngân hàng tỷ lệ này lên đến 50%.
Thế nên có chuyên gia dự báo, sắp tới, các ông chủ thật sự của nhiều dự án bất động sản lớn sẽ xuất hiện. Và, có thể ông chủ ấy không ai khác là tên của một vài ngân hàng. Nói vậy để thấy, móc xích giữa ngân hàng và bất động sản đang khép lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân