Ngân hàng tiết kiệm nhà ở có thể ra đời vào năm 2017

Cập nhật 16/12/2013 08:27

Hơn một năm trước, Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu trách đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở, thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận. Thế nhưng, sau  những háo hức ban đầu, đến nay Quỹ Tiết kiệm nhà ở dường như bị lãng quên.


Theo đề án này, đối với trường hợp là hộ gia đình, cá nhân thì Quỹ sẽ cho các đối tượng tham gia quỹ vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở khi có đủ 3 điều kiện sau: đã đóng tiền vào quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở; đã tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, với mức đóng được chia đều hàng tháng và thuộc diện được mua, thuê mua các loại nhà ở xã hội.

Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ (mức vay cụ thể sẽ do Quỹ tại từng địa phương tính toán căn cứ vào nguồn vốn, giá nhà tại địa phương...). Việc cho vay được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên, ai có thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước.

Về thời gian trả nợ, đề án quy định người vay phải trả đều hàng tháng cho Quỹ trong thời hạn tối đa là 15 năm, tính từ ngày được vay thêm để mua, thuê mua hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Lãi suất huy động của Quỹ thấp hơn lãi suất thương mại và bảo đảm ổn định trong một thời hạn nhất định theo từng gói tiết kiệm do hội đồng quản lý Quỹ quyết định (dự kiến từ 5 - 7%). Lãi suất cho vay tối đa bằng lãi suất huy động cộng thêm 1,5% chi phí quản lý.

Đối với trường hợp cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vay muốn được vay phải có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đã có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt. Số tiền được vay từ quỹ tối đa bằng 50% tổng vốn đầu tư xây lắp của dự án nhà ở xã hội (bao gồm cả chi phí trang thiết bị của nhà ở đó).

Trong trường hợp người tham gia Quỹ không có nhu cầu vay để tạo lập hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì sẽ được quỹ thanh toán cả gốc và lãi nhưng mức lãi suất được hưởng sẽ cao hơn lãi suất mà Quỹ huy động là 2%/năm.

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với lạm phát, thị trường bất ổn, quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch và thu nhập bình quân đầu người quá thấp…, nếu chỉ trông mong vào sự tự nguyện đóng góp của người lao động, đề án khó khả thi.

Ngoài ra, đề án cũng chưa thực sự rõ ràng, chi tiết để thấy được tính hiệu quả, lợi ích cho người tham gia, vì vậy, nếu xét trên các bài toán như đã tính ở trên, nhiều người thu nhập thấp không tha thiết tham gia quỹ.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn quỹ từ tiền dự án, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, một phần lợi nhuận từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc xổ số nhà ở… cũng khiến nhiều người lo ngại về tính khả thi và yêu cầu về độ minh bạch trong điều hành quỹ.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN