Ngân hàng siết tín dụng BĐS: “Tác động cực kỳ nghiêm trọng”!

Cập nhật 22/02/2016 08:25

Đó là thông báo vừa phát đi của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoRea) gửi tới các thành viên của hiệp hội này nhằm cho ý kiến gấp để góp ý sửa đổi Thông tư 36 ngày 20.11.2014 của Ngân hàng Nhà nước.

HoRea cho rằng NHNN đang hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường bất động sản

Theo thông báo này, có 02 nội dung rất quan trọng mà nếu được thông qua có thể sẽ tác động cực kỳ nghiêm trọng đến thị trường bất động sản năm 2016 và những năm tiếp theo:1. Giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%. Thực chất là hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường bất động sản;2. Tăng hệ số rủi ro từ 150% hiện nay lên 250% đối với nhóm tài sản thuộc các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản theo mục 1-(A6), Phần II, Phụ lục 2 dự thảo Thông tư.

Ngoài ra, HoRea cũng cho hay,  sẽ khẩn trương có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư Liên tịch hướng dẫn thực hiện việc công chứng tài sản đảm bảo là bất động sản hình thành trong tương lai, và đăng ký thế chấp tài sản đảm bảo là bất động sản hình thành trong tương lai để xử lý ách tắc trên thị trường bất động sản hiện nay.

Các chuyên gia nhận định, khi hệ số rủi ro đối với kinh doanh bất động sản nâng từ 150% như hiện nay lên 250%, các ngân hàng sẽ phải trích tiền vào quỹ dự phòng rủi ro cao hơn, đồng nghĩa số tiền cho ra đối với bất động sản giảm đi. Lúc này có hai tình huống có thể xảy ra, một là lãi suất mua nhà sẽ tăng vì tiền cho vay ra ít, khả năng thứ hai là lãi suất không tăng nhưng giá nhà lại tăng”.

Ông Phạm Đức Toản - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản EZ nói: "Chủ đầu tư và ngân hàng bắt tay nhau, cho vay lãi suất rẻ nhưng lại nâng giá để bù vào số tiền vay ngân hàng của chủ đầu tư".

Một số ý kiến cho rằng, việc nâng hệ số rủi ro đối với bất động sản là cần thiết khi dòng tiền từ ngân hàng đổ vào bất động sản có dấu hiệu tăng nóng thời gian qua. Trong năm 2015, tín dụng vào bất động sản đã tăng lên đến gần 20%. Tuy nhiên, nếu áp dụng hệ số rủi ro cao cho tất cả các phân khúc nhà đất thì lại chưa hợp lý.

Hiện 70% vốn cho bất động sản là từ hệ thống ngân hàng. Một điều chỉnh trong hệ thống có thể tác động lớn tới thị trường. Tuy nhiên, nếu để thị trường phát triển nóng thì nguy cơ bong bóng, nợ xấu có thể tái diễn khi giới đầu cơ lợi dụng vay tiền ngân hàng để đổ vào bất động sản.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động