Ngân hàng quốc doanh hiến kế ’xoay’ tiền cứu BĐS

Cập nhật 24/01/2013 08:17

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đề xuất Chính phủ thành lập Công ty tái cấp vốn cho vay thế chấp nhà ở để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Trong khi đó, chuyên gia lại cho rằng nên để doanh nghiệp trả giá cho sai lầm của họ thay vì giải cứu.

Lấy vốn vay ODA đổ vào BĐS?


“Công ty tái cấp vốn cho vay thế chấp nhà sẽ có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng và trong 5 năm đầu hoạt động dự kiến huy động thêm khoảng 50.000 tỷ đồng để tài trợ cho thị trường nhà ở thu nhập thấp. Nguồn vốn này sẽ được lấy từ các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, các nguồn tiền gửi của các tổ chức trong nước, quốc tế và các nguồn vốn hỗ trợ đóng góp dài hạn khác.” - Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết.
 

Công ty tái cấp vốn cho vay thế chấp nhà sẽ có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng


Theo đó, Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia được thành lập dưới hình thức Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% hoặc sở hữu chi phối trên 75% vốn điều lệ. Và để tài trợ cho các khoản vay nhà ở thu nhập thấp, công ty sẽ thực hiện theo 2 hình thức là tái cho vay thế chấp và mua lại các khoản nợ cho vay nhà ở thu nhập thấp từ các ngân hàng thương mại.
Các đối tượng chính sách xã hội về nhà ở là người có công với cách mạng, có hoàn cảnh khó khăn; các hộ nghèo khu vực nông thôn chưa có nhà và có thu nhập từ 4,8 triệu đồng trở xuống; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và một số đối tượng khác như công nhân viên chức, sinh viên, người tàn tật.

Thời hạn khoản vay có thể kéo dài từ 15 đến 30 năm tùy từng điều kiện, trường hợp cụ thể và với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất thương mại trên thị trường.

Như vậy, nếu đi vào hoạt động chính thức, công ty này sẽ tập trung tài trợ cho thị trường nhà ở thu nhập thấp với lượng vốn khoảng 50.000 tỷ đồng trong 5 năm, tương ứng với khoảng 250.000 căn nhà hay 7,5 triệu m2 nhà ở thu nhập thấp.

Trong thời gian gần đây, BIDV luôn là ngân hàng sốt sắng trong việc giải cứu BĐS bằng nhiều động thái khác nhau.

Trong khi đó, một con số đáng lưu ý là tại ngân hàng này dư nợ nhóm ngành bất động sản, cơ sở hạ tầng, xây dựng hiện chiếm con số lớn nhất trong tổng dư nợ của ngân hàng tính đến tháng 5/2012.

Nợ xấu của BIDV đến cuối quý 3/2012 là trên 9.200 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,77%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đạt 3.984 tỷ đồng.

Nên để đại gia địa ốc trả giá cho sai lầm của họ

“Nếu so với các hoạt động xuất nhập khẩu tương đương hơn 150% GDP hay giá trị sản xuất công nghiệp, thậm chí nông nghiệp thì 3,2% GDP của bất động sản là rất nhỏ. Hiện nay không có số liệu nhưng ước đoán ảnh hưởng trực tiếp vào thị trường lao động. Có thể tạm kết luận tác động trực tiếp của thị trường bất động sản lên nền kinh tế là không đáng ngại. Vì vậy nên để doanh nghiệp trả giá cho sai lầm của họ thay vì giải cứu.” - Tiến sĩ Lê Hồng Giang khẳng định.

Số liệu công bố cho thấy tổng dư nợ cho bất động sản khoảng 200.000 tỷ đồng. Cứ cho số đó bằng 70% giá trị dự án thì giá trị bất động sản ở Việt Nam vào khoảng 285.000 tỷ đồng.

Giả sử vòng đời trung bình của các dự án bất động sản là khoảng 3 năm và toàn bộ doanh thu mà ngành bất động sản tạo ra được tính vào GDP cho nền kinh tế. Nếu sử dụng các loại nguyên liệu, vật liệu xây dựng được sản xuất tại Việt Nam thì giá trị bất động sản tạo ra chỉ khoảng 95.000 tỷ đồng một năm, tương đương 3,2% GDP. Hiện GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2012 ước tính khoảng 2.950.000 tỷ đồng.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đất Việt