Ngân hàng "khóa van" tín dụng bất động sản

Cập nhật 20/02/2008 08:00

Mặc dù không có chỉ thị 03 như với chứng khoán, nhưng các ngân hàng (NH) đều đã tự giác siết lại việc cho vay đầu tư bất động sản (BĐS). NH Nhà nước ghi nhận dư nợ cho vay BĐS đang giảm mạnh... Vì sao phải "khóa van"? Dưới đây là ý kiến của một số lãnh đạo NH và chuyên gia.

Ông Đặng Văn Thành (chủ tịch HĐQT NH Sài Gòn Thương Tín):

Rộng cửa cho người có nhu cầu, khóa van người "lướt sóng"

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang được thắt chặt như hiện nay, hầu hết NH đều phải đánh giá lại thị trường của từng danh mục đầu tư, tính toán lại cơ cấu sử dụng vốn một cách phù hợp. Hiện giá BĐS đang quá cao, đặc biệt là ở các dự án.

Các NH nhận thấy điều này và đang xem xét lại danh mục tài trợ BĐS một cách thận trọng. Hiện Sacombank chỉ xem xét cho vay đối với những khoản vay đầu tư BĐS mà đối tượng có nhu cầu nhà ở thật sự. Riêng những khoản vay đầu tư BĐS theo kiểu "lướt sóng" đều bị hạn chế tối đa.

Cũng xin nói thêm, trong điều hành chính sách tín dụng từng năm, Sacombank đều có danh mục cho vay, tỉ lệ sử dụng vốn cho từng danh mục và được tính toán cụ thể chứ không chạy theo trào lưu". Do đó, mức độ rủi ro trong hoạt động cho vay lĩnh vực BĐS, nếu có, cũng được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung hiện nay, việc thận trọng trong tài trợ các dự án BĐS là một bước đi phù hợp.

Ông Lưu Đức Khánh  (tổng giám đốc ABBank):

Xét kỹ khả năng chi trả

Thời gian gần đây, ABBank đã phải từ chối khá nhiều hồ sơ vay, mà theo đánh giá của chúng tôi là đối tượng vay vốn để tham gia đầu cơ thị trường BĐS, mức độ rủi ro quá cao và chúng tôi không an tâm khi tài trợ vốn. Một người vay vốn mua 4-5 căn hộ ở những vị trí khác nhau, trong khi làm gì họ có nhu cầu ở nhiều như vậy.

Những trường hợp này đang tham gia "trào lưu" đầu cơ BĐS, mua đi bán lại ngay để kiếm lời. Nếu gặp sự cố, chẳng hạn như thị trường BĐS chững lại, khả năng chi trả của những đối tượng này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhu cầu vay vốn để mua nhà ở là có thật nhưng ngay cả đối với những trường hợp này, chúng tôi cũng phải thẩm định, xem xét thật kỹ khả năng chi trả của người vay.

Ông Lê Đắc Sơn (tổng giám đốc VPBank):

Giá bất động sản quá cao, tiềm ẩn rủi ro

Thị trường BĐS hiện đang bị đẩy giá lên quá cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chúng tôi đã bắt đầu siết lại, trong đó những khoản vay mua một hai căn hộ, mang tính chất đầu cơ đều bị chúng tôi từ chối.

Ngoài các thông tin từ trung tâm thông tin tín dụng, chúng tôi có một số biện pháp nghiệp vụ để xác định và phân biệt người có nhu cầu và người đầu cơ.

Nếu một người vay mua nhà trả góp, chúng tôi phải biết được họ có công việc ở đâu, ổn định hay không, thu nhập như thế nào, khả năng chi trả khoản vay... Nếu tất cả yếu tố này được xác định, chúng tôi mới xem xét cho vay. Còn những đối tượng nào nói bán căn nhà này hay nhà nọ để trả nợ vay, chúng tôi kiên quyết từ chối. Tuy nhiên, NH vẫn cho vay đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án BĐS.

TS Lê Thẩm Dương (trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng):

Đúng ra phải làm sớm hơn

Một khi chính sách tiền tệ của NH Nhà nước có sự thay đổi, tất cả NH đều phải điều chỉnh chính sách tín dụng của mình, trong đó có danh mục cho vay mà danh mục BĐS - một thị trường đang phát triển quá nóng trong thời gian qua - được các NH điều chỉnh đầu tiên.

Thị trường BĐS Mỹ có "vấn đề”, đang gây hậu quả rất nặng nề. Còn tại VN, đến nay chẳng ai có thể giải thích nổi cơn sốt giá của BĐS trên tất cả bình diện. Lẽ ra các NH phải điều chỉnh trước khi NH Nhà nước thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ chứ không đợi đến khi NH Nhà nước ra tay rồi các NH thương mại mới vào cuộc.

Ông Hồ Hữu Hạnh (giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM):

Lỡ cho vay nhiều, phải tìm cách thu nợ

Cho đến thời điểm này có thể khẳng định các NH thương mại đã thận trọng, dè dặt hơn trong việc tài trợ các khoản vay đầu tư nhà đất. Dư nợ trong lĩnh vực BĐS trên địa bàn hiện nay chỉ còn khoảng 30.000 tỉ đồng, giảm gần 5.000 tỉ đồng so với cách đây không lâu.

Theo tôi được biết, các khoản vay kinh doanh BĐS đến hạn đều được thu hồi, NH không tiếp tục cho vay nữa. Không hẳn tất cả NH đều sợ rủi ro, bởi lẽ khả năng thanh khoản trong thời điểm hiện nay rất thấp.

Nhưng dù sao, đây cũng là bước đi hợp lý, vì các NH không thể cứ lao vào cho vay kinh doanh BĐS trong bối cảnh thị trường BĐS đang phát triển quá nóng.

Hiện một số NH có dư nợ cho vay BĐS chiếm tỉ lệ khá lớn trong tổng dư nợ. Những NH này cần tích cực thu hồi nợ và hạn chế cho vay để giảm tỉ lệ này xuống mức hợp lý, tránh những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra.


>Tránh gây sốc thị trường bất động sản.

  Theo Địa Ốc TTO