Ngân hàng đua nhau rót tiền vào bất động sản

Cập nhật 05/12/2007 10:00

Khi thị trường đóng băng sẽ dẫn đến nhà, đất của giới đầu cơ không bán được, trong khi vẫn phải trả lãi suất ngân hàng.

Kịch bản của thị trường bất động sản năm 2007 được các chuyên gia so sánh tương tự như thời điểm năm 2003. Giống ở khía cạnh các ngân hàng ồ ạt rót vốn vào các dự án bất động sản. Một thời gian sau, thị trường đã “đóng băng” làm cho dòng vốn “chết” của ngân hàng đến nay mới bắt đầu thu hồi.

Các ngân hàng đẩy mạnh việc rót vốn vào thị trường bất động sản từ khi có thông tin các dự án như The Vista, Phú Mỹ Hưng, Vạn Phát Hưng được khách hàng tranh giành nhau mua.

Nội, ngoại cùng rót vốn

Theo các chuyên gia phong trào, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài ồ ạt cho người dân vay tiền mua nhà, đất xuất phát từ việc Ngân hàng nhà nước hạn chế cho vay chứng khoán xuống dưới 3%.

Từ đây, kênh đầu tư cho vay chứng khoán thường chiếm tỷ lệ rất cao của các ngân hàng bị chặn lại. Do vậy, một thời gian các ngân hàng đã dư thừa tiền đồng mà chưa có kênh để giải ngân.

Những cảnh tượng người dân tranh nhau mua căn hộ thuộc các dự án The Vista, Phú Mỹ Hưng, Vạn Phát Hưng như là một cứu cánh khơi thông dòng vốn ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng trong nước cũng như nước ngoài đua nhau bơm tiền vào bất động sản.

Chỉ tính riêng dự án Sky Garden 3 của Phú Mỹ Hưng cũng đã thu hút tới 11 ngân hàng cho khách hàng vay tiền mua căn hộ mua trả góp với thời hạn lên đến 30 năm. Lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng hạ xuống chỉ còn từ 0,95 đến 1,1%/tháng, thay vì 1,1 - 1,3%/tháng như trước.

Trong số hàng loạt các ngân hàng tham gia cuộc đua rót vốn vào bất động sản phải kể đến như Sacombank, Techcombank, Vietcombank, An Bình... Mới đây nhất, Techcombank đã tung ra sản phẩm cho khách hàng vay 80% tổng nhu cầu vốn khi mua sản phẩm Sky Garden 3 của Phú Mỹ Hưng với thời hạn 20 năm.

Trước đó, Sacombank đã công bố giải ngân 500 tỷ đồng cho vay mua nhà, đất... từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). ABBank cũng tiếp tục công bố rót vốn vào bất động sản khi đã đạt mức dư nợ tín dụng cho vay bất động sản lên đến 1.100 tỷ đồng.

Không chỉ ngân hàng nội thích rót tiền vào bất động sản mà ngay cả ngân hàng ngoại cũng đang bơm vốn rất mạnh cho thị trường bất động sản.

HSBC cũng cho khách hàng vay mua nhà ở Phú Mỹ Hưng với thời gian lên đến 25 năm. Ngân hàng ANZ cũng đã tung ra thị trường sản phẩm cho vay mua nhà trả góp với thời gian 20 năm, lãi suất 0,94%/tháng.

Mầm mống khủng hoảng tài chính

Cơn lốc ngân hàng rót tiền cho khách hàng vay tiền mua căn hộ bắt đầu khi các dự án căn hộ tăng gấp đôi so với năm ngoái. Vì vậy, các ngân hàng đã đón đầu thời cơ kinh doanh do nhu cầu mua nhà, đất của người dân sẽ tăng cao trong thời gian tới. Điều này đã tạo động lực thổi bùng cơn sốt thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết việc ngân hàng đang ồ ạt rót vốn vào các dự án bất động sản và cho cá nhân vay mua chung cư trả góp sẽ rất rủi ro, khi đa số các khoản vay rơi vào túi những nhà đầu cơ bất động sản.

Cơn sốt dự án The Vista, Phú Mỹ Hưng, Vạn Phát Hưng cho thấy chỉ có 40% người dân có nhu cầu mua để ở, còn lại 60% nhà đầu cơ mua đi bán lại để kiếm lời.

Vì vậy, khi thị trường “đóng băng” sẽ dẫn đến nhà, đất của giới đầu cơ không bán được trong khi vẫn phải trả lãi suất ngân hàng. Tình trạng trên kéo dài sẽ dẫn đến sức kháng cự của những nhà đầu cơ yếu dần, dẫn đến phá sản và khó trả nợ ngân hàng.

Còn nhớ cơn sốt bất động sản những năm 2002-2004, các ngân hàng vẫn chưa khắc phục xong khi hàng trăm ngàn tỷ đồng bị chôn vào các dự án nhà, đất trước đây nay mới có cơ hội thu hồi nợ.

Dự án căn hộ chung cư bị ế, nay thị trường ấm lên mới bán được, trả nợ ngân hàng. Trong đó chưa kể vốn của ngân hàng còn nằm trong nhiều dự án bị phá sản, chưa thể thu hồi nợ.

Dự báo vài năm tới sẽ có hiện tượng dư thừa căn hộ chung cư, do những dự án đang xây dựng ồ ạt hiện nay sẽ hoàn thành. khi đó rất có thể sẽ tạo ra một cơn khủng hoảng từ bất động sản lan sang các ngân hàng.

Cơn khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện nay cũng đang diễn ra với kịch bản tương tự. Ở góc độ quản lý nhà nước, Ngân hàng nhà nước cũng đã từng cảnh báo các ngân hàng thương mại về tình trạng trên nhưng quyết định kinh doanh lại thuộc về quyền của mỗi ngân hàng thương mại.

Trước đây, vào thời kỳ thị trường phát triển “nóng”, các ngân hàng cũng tăng tốc khoảng 25% vốn cho dự án bất động sản với hơn 80% là các khoản vay tín dụng trung hạn.

 Đợt đóng băng của thị trường nhà đất kéo dài từ cuối năm 2004 đến nay đã làm tê liệt gần 7.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên cả nước. Chỉ riêng tại TP.HCM, có tới 50% trong số hơn 4.100 doanh nghiệp phá sản, 20% “thoi thóp” và chỉ có khoảng 30% cầm cự được.

Theo Pháp Luật