Ngăn chặn nạn lợi dụng tách thửa, phá nát quy hoạch

Cập nhật 17/05/2018 10:10

Nhằm ngăn chặn tình trạng lách luật, lợi dụng tách thửa để phân lô bán nền, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND để thay thế Quyết định 33/2014/QĐ-UBND (quy định diện tích tối thiểu tách thửa), với những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn, kèm theo 10 văn bản hướng dẫn của các sở ngành liên quan. Tuy vậy, việc thực thi Quyết định 60 vẫn chưa suôn sẻ. 

Khu dân cư mới 1A phường Phú Hữu (quận 9, TPHCM) có hạ tầng xây dựng hoàn chỉnh

Nhiều văn bản, khó áp dụng

So với Quyết định 33, Quyết định 60 có điểm mới là cơ sở pháp lý để tách thửa không chỉ dựa vào quyết định của UBND TP mà còn có nhiều văn bản hướng dẫn đi kèm. Do vậy, các sở: Tài nguyên - Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tư pháp, Công thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Tổng công ty Điện lực TPHCM, Tổng công ty TNHH MTV Cấp nước, Tổng công ty TNHH MTV Thoát nước phải ban hành văn bản để hướng dẫn. Hiện nay, cơ bản đã hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa Quyết định 60 của UBND TP. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương đang lo lắng vì văn bản hướng dẫn của các sở, ngành tuy nội dung chi tiết, cụ thể nhưng lại có xu hướng chỉ nhằm thuận tiện cho việc quản lý của ngành, dẫn đến quy định quá chặt chẽ, đặt ra nhiều giấy phép con trong thủ tục tách thửa, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, nội dung văn bản quy định, hướng dẫn tách thửa chi tiết, rõ ràng sẽ thuận tiện cho người dân cũng như các cơ quan, đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, thực tế xuất hiện tình trạng thiếu thống nhất giữa các sở ngành khi mạnh ai nấy hướng dẫn, gây ra tình trạng nhiều văn bản nhưng lại thiếu khả thi. Nếu việc ban hành văn bản hướng dẫn không được chấn chỉnh kịp thời, Quyết định 60 về tách thửa sẽ khó phát huy tác dụng khi đi vào đời sống.

Nâng ý thức trách nhiệm của cán bộ

Nhìn lại thực tế áp dụng Quyết định 33 trước đây, có thể thấy, sau khi tách thửa đã có những khu dân cư mới được hình thành với hạ tầng đường sá, thoát nước, điện hoàn chỉnh. Nhưng cũng xuất hiện nhiều khu dân cư mới manh mún, thiếu hạ tầng do các đầu nậu, doanh nghiệp chỉ tách thửa, phân lô bán nền để trục lợi. Các đối tượng này đã lợi dụng văn bản quy định chưa chặt, lách luật để tách thửa, cấu kết với các cán bộ địa phương không trung thực, thiếu ý thức trách nhiệm. Khi cán bộ bắt tay với “cò đất” thì dù văn bản quy định tách thửa có nhiều và chặt chẽ cũng khó ngăn chặn việc lạm dụng tách thửa để trục lợi, phá nát quy hoạch.  

Do vậy, khi thực thi Quyết định 60, vấn đề cần quan tâm nhất là nâng ý thức trách nhiệm của cán bộ bằng việc kiểm soát hiệu quả và chế tài mạnh để ngăn chặn tình trạng cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Trao đổi với phóng viên Báo  SGGP về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND TP sẽ rà soát, yêu cầu các sở, ngành ban hành văn bản hướng dẫn tách thửa, tránh phiền hà cho người dân và chính quyền cơ sở. Tiêu chí đặt ra là tạo điều kiện thông thoáng nhất cho người dân làm thủ tục tách thửa, nhưng phải ngăn ngừa việc lợi dụng tách thửa, phá nát quy hoạch.

Việc cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý minh bạch vẫn chưa đủ, quy định mới có thành công hay không phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ thực thi, mà trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch UBND các địa phương. Cán bộ thụ lý hồ sơ kiểm tra thực tế sẽ biết cặn kẽ người đứng tên tách thửa và sử dụng vào mục đích gì. Chính vì thế, cùng với việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, trực tiếp là chủ tịch UBND các quận huyện, phường xã, cần phải có biện pháp chế tài nặng, xử lý hình sự những đối tượng đầu nậu và cả những cán bộ cố tình lợi dụng tách thửa để trục lợi, phá nát quy hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP