Nếu biết nói, TP sẽ nói gì? Với quan niệm TP không đơn thuần là yếu tố vật thể với những toà nhà cao tầng, đường sá…, mà còn được nhìn nhận như một thực thể sống có tâm hồn, suy nghĩ.
Cuộc tọa đàm với chủ đề “Nếu TP biết nói” do Hội đồng Anh tổ chức ngày 27.6.2008 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của nhiều KTS, hoạ sĩ, nhạc sĩ… trong và ngoài nước.
Đau ốm, gào thét, rên rỉ
Là người làm việc ở VN hơn 16 năm nay, đã tham gia nhiều sự án cải tạo, xây dựng văn hoá, nghệ thuật, ông Graham Sutcliffe - Quản lý các dự án khí hậu Đông Nam Á, Hội đồng Anh – đưa ra ý kiến gây sốc: “Nếu các TP có thể lên tiếng, chúng sẽ gào thét. Đó là tiếng kêu vì mất niềm tin, là những âm thanh rên rỉ, phàn nàn vì con người đang từng ngày huỷ hoại thân thể TP - nó quá tải nên phình to, các động mạch tắc nghẽn, đau ốm và cần cứu giúp…”
Ông dẫn lời Charles Landry, tác giả cuốn Nghệ thuật tạo dựng thành phố: năm 1900 thế giới chỉ có 160 triệu người sinh sống tại các TP (chiếm 10% dân số thế giới), năm 1950 là 730 triệu (34%) và đến nay đã tới 3,25 tỉ (tức 1/2 dân số thế giới đang sống trong các TP).
Dự báo, năm 2050 có 650 TP số dân đạt hơn 1 triệu và 2/3 dân số thế giới (tương đương 9 tỷ người) sẽ sống ở TP – Môi trường, năng lượng tự nhiên đang bị cắt gọt từng ngày bởi việc gia tăng cường độ sử dụng đất và di cư vô cùng lớn. Thế nên phần lớn nhiên nhiên của con người sống giữa TP giờ chỉ còn là những công viên nhỏ bé, hiếm hoi lọt thỏm giữa bốn bề khu dân cư chằng chịt, ngổn ngang.
Năm 2001, thế giới tiêu thụ gấp 1,2 lần công suất sinh thái của trái đất. Hãy suy ngẫm, nhìn lại xem con người đang đối xử với các TP ra sao? Nếu cứ giữ cách tiêu thụ năng lượng, nguồn nước sạch và thải CO2 “vô tội vạ” như hiện nay thì chẳng bao lâu, vô vàn hậu quả khôn lường sẽ xảy ra.
Ví dụ cho cái sự “vô tội vạ” ấy, KTS Phó Đức Tùng nói chuyện cái toilet trong mỗi gia đình hiện nay, ông nhận định: “Đó là một trong những thảm họa của loài người. Bởi mỗi người TP một ngày dùng trung bình 150 lít nước, thì chỉ khoảng 4-5 lít vào nhu cầu ăn uống, còn lại đều dành để tắm rửa và… xả vào toilet. Nên nhớ đó là nước sạch, chúng ta lãng phí quá nhiều”.
Im lặng thở dài
Nhạc sĩ Dương Thụ nhiều năm gắn bó, yêu mến HN cho rằng: “HN phát triển nhưng đã đánh mất quá nhiều giá trị truyền thống, văn hoá tốt đẹp vốn có. Nếu biết nói, HN sẽ không nói, mà chỉ im lặng và thở dài tiếc nuối. Ông giúp thính giả trở lại HN của những năm 1980 và nhớ đến những điều mà giờ đây chỉ còn trong hồi ức: hương thơm hoa trái trong chợ Đồng Xuân, những gánh hàng rong trên vỉa hè và người dân TP ứng xử với nhau tinh tế, có văn hoá…
Nhiều ý kiến đồng tình với nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng, quan điểm phát triển TP không đồng nghĩa với phá bỏ hoàn toàn vẻ đẹp cổ kính của nó, phải giữ lại những khoảng không gian thiên nhiên, kiến trúc và văn hoá quí báu... Nhưng HN, TP.HCM chưa làm được điều này.
KTS Lý Trực Dũng nói: Nếu biết nói, TP sẽ nói lên những sự thực kinh hãi nhất, TP càng phát triển, càng “hiện đại”, lại càng chứa đựng trong lòng nó đủ thứ “ung nhọt”. Đó là sự phi văn hoá, của lối sống chụp giật… - mà không đâu xa, chính TP.HCM, tuy phát triển mạnh nhất cả nước lại điển hình cho sự nhức nhối ấy.
Xót xa đớn đau
Qui hoạch yếu kém, nay xây mai phá, giao thông lộn xộn, bộ mặt TP ngày càng nhếch nhác, tắc đường, úng ngập liên miên… . KTS Phó Đức Tùng bày tỏ: “Trong qui hoạch của HN, TP.HCM cũng như nhiều TP khác ở VN, từ trước tới nay chưa bao giờ người dân TP được các nhà hoạch định chính sách, chính quyền kêu gọi đóng góp ý kiến. Hoặc có, cũng chỉ tham khảo qua loa, hình thức. Ông đặt câu hỏi: “Cứ phát triển theo cách làm này, bộ mặt đô thị VN sẽ đi đến đâu?”
Họa sĩ Nguyễn Quân hóm hỉnh: Nếu biết nói, TP sẽ nói lên những tiếng xót xa bởi có quá nhiều công trình của thế hệ chúng ta đang xây lên chứa đựng đủ điều bất cập. Phải chăng họ làm thế để “giúp” con cháu chúng ta sau này muốn cải tạo gì thì cứ đập đi, không phải hối tiếc?”
Hãy cứu các TP
Chuyên gia Graham Sutcliffe nhận định: Ở Châu Âu, việc di dân từ nông thôn đến các TP đã bắt đầu giảm, nhưng tại Đông Á và các quốc gia đang phát triển vẫn ào ạt. Tokyo hiện là một trung tâm kín đặc các toà nhà cao tầng bọc kính với 80 triệu dân; khu châu thổ sông Pearl miền Nam Trung Quốc đã chuyển gần như hoàn toàn từ đồng lúa sang khu đô thị trong 50 năm qua… Nếu không biết bảo vệ nguồn năng lượng, môi trường sống, thì các TP ở VN cũng như nhiều nơi khác sẽ chịu các hậu hoạ thảm khốc, các TP sẽ trở thành những khối ung nhọt có thể bục vỡ bất cứ lúc nào.
HN, TPHCM, các TP khác ở Châu Á, Châu Phi cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ của phương Tây, để tìm ra con đường phát triển cho nền kinh tế theo cách bền vững, thân thiện với môi trường - tức là phải loại trừ nền kinh tế carbon.
Cuộc tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến hữu ích, nhưng đáng tiếc vì thành phần tham dự không có quan chức của các TP và Bộ Xây dựng.
Người Đô Thị