Thay vì xây dựng một ngôi nhà cao tầng như bình thường, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Xây dựng đã khuyến cáo nên tính toán một phương án nhà cao tầng đa chức năng chịu thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH).
Một khu nhà đa chức năng ở Đồng bằng sông cửu long.
Theo TS Nguyễn Bình Hà và Ths Nguyễn Tất Thắng, Khoa xây dựng Dân dụng và công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng, trong điều kiện BĐKH, do tính bất thường và cực đoan của thiên tai nên việc tính toán dựa theo số liệu cũ là không đủ tin cậy.Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn xây dựng công trình nhằm ứng phó và thích nghi với thiên tai.
Trên cơ sở này, Ths Nguyễn Tất Thắng đã nghiên cứu và xây dựng một mô hình nhà cao tầng đa chức năng tại công trình chung cư xây dựng ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Theo đó, căn nhà sẽ trở thành địa điểm an toàn để lánh nạn cho người dân trong những tình huống thiên tai xảy ra. Hệ thống tường được sử dụng vật liệu là các tấm panel 3D có cấu tạo gồm 2 lớp bê tông ở 2 bên và lớp EPS (Expanded Polystyrene) ở giữa, 2 lớp lưới thép song song và những thanh thép chéo được hàn vào 2 lớp lưới thép dọc theo chiều dài. Thép chéo đâm xuyên qua lớp EPS và được mạ để tránh ăn mòn.
Tất cả các thông số từ vật liệu, giải pháp kết cấu được các nhà khoa học tính toán chi tiết. Theo TS Hà, với một khu chung cư có tầng hầm khoảng 1.251 m2, tầng trệt và tầng một cũng có diện tích tương tự, hoàn toàn có thể làm nơi ẩn nấp cho dân cư tòa nhà và các vùng lân cận.
Hiện các phương án tính toán này đã được giới thiệu rộng rãi trong việc tính toán công trình nhà cao tầng thích nghi với điều kiện BĐKH của Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt