Một góc TPHCM. Ảnh: lê Toàn. |
Dù Luật Quản lý đô thị vừa được Quốc hội thông qua đã không chấp nhận đề xuất của Bộ Xây dựng là tái lập thiết chế Kiến trúc sư trưởng, nhưng để chuẩn bị tốt hơn cho đợt bùng nổ xây dựng có thể diễn ra sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đi qua, chúng ta cần xem lại cơ cấu tổ chức của bộ máy lãnh đạo về chiến lược quy hoạch kiến trúc.
Về bộ máy lãnh đạo chiến lược quy hoạch kiến trúc
Qua tham khảo kinh nghiệm quản lý đô thị tại các nước tiên tiến, có thể nói việc cho phép kiêm nhiệm đồng thời hai chức năng hành pháp và lập pháp trong công tác quản lý và xây dựng đô thị là nguyên nhân chủ yếu của các vấn đề tiêu cực trong mọi mô hình quản lý đô thị, cho dù đô thị đó có kiến trúc sư trưởng. Trong cơ cấu như thế, ngoài chuyện các quan chức trong Văn phòng kiến trúc sư trưởng đó có thể lạm quyền, họ còn có thể chịu tác động, thậm chí sức ép, theo quan điểm cá nhân của một vài quan chức cấp cao hơn trong các quyết định chuyên môn.
Do đó, cần cải tổ sớm hệ thống lãnh đạo về quản lý và xây dựng đô thị. Cần giao cho hai nhà lãnh đạo chiến lược đô thị ngang cấp cùng cộng tác với nhau, trong đó một người chịu trách nhiệm về mặt tư tưởng chiến lược (vai trò gần giống nhà sáng tác nhạc giao hưởng) và người kia chịu trách nhiệm điều hành thực hiện chiến lược (vai trò gần giống người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng). Hai nhà lãnh đạo này chịu trách nhiệm chính trước UBND và HĐND về sự thành công của chiến lược quy hoạch kiến trúc.
Cụ thể hơn, chính quyền nên giao cho (1) Kiến trúc sư (KTS) tư vấn chiến lược là nhà tư tưởng chịu trách nhiệm vạch ra các chiến lược và các chính sách cần thiết để thực hiện các chiến lược đó, và (2) Phó chủ tịch thường trực UBND (hoặc một chức danh tương đương) là nhạc trưởng chịu trách nhiệm điều hành việc quản lý và thực hiện các chương trình dự án lớn mang tính chiến lược, bao gồm việc quản lý cơ quan cấp phép xây dựng và cơ quan phê duyệt các dự án dựa trên luật pháp và chính sách hiện hành.
Việc đưa ra Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng để áp dụng trên toàn quốc không nên xem là “phương thuốc” có thể tiên đoán và giải quyết mọi vấn đề của đô thị mà chỉ nên xem như là văn bản pháp quy cơ sở để các địa phương xây dựng các chính sách xây dựng, cải tạo và bảo tồn phù hợp với điều kiện và mục đích, yêu cầu phát triển của địa phương đó. Khi cần thiết, chính quyền trung ương nên cho phép các thành phố được bổ sung thêm các chính sách chỉ được áp dụng ở địa phương đó, theo sự tư vấn của KTS tư vấn chiến lược và phó chủ tịch thường trực UBND, để đáp ứng các yêu cầu đặc thù về bảo tồn và phát triển của từng đô thị riêng biệt.
Để tránh việc lạm quyền dẫn đến sự không công bằng cho người dân lẫn các nhà đầu tư, việc xem xét khả năng chấp thuận các dự án cá biệt có một số yêu cầu điều chỉnh vượt ra ngoài hệ thống luật pháp và chính sách của chính quyền trung ương hoặc đã được chính quyền địa phương duyệt bổ sung, thì các dự án đó bắt buộc phải được thông qua bởi một hội đồng bao gồm các nhân sự quan trọng của UBND và HĐND, và cả KTS tư vấn chiến lược lẫn phó chủ tịch thường trực. Đây là yêu cầu cần thiết vì đó là các trường hợp tạo ra những tiền lệ mới, cần phải đưa vào quy trình bổ sung và điều chỉnh hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách về đô thị của địa phương đó.
Vai trò của phó chủ tịch thường trực- người nhạc trưởng đô thị
Việc coi giám đốc Sở Xây dựng hoặc giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc là nhạc trưởng chịu trách nhiệm chính về chiến lược đô thị, có thể nói là một sai lầm về mặt chiến lược. Trách nhiệm quản lý chung về quy hoạch xây dựng đô thị trên thế giới ngày nay là một công tác lãnh đạo phức tạp và đa ngành, trong đó người nhạc trưởng bắt buộc phải có thẩm quyền chỉ đạo trực tiếp các sở - ban - ngành có liên quan gần (như xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, tài chính, kế hoạch và đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương) để cùng nhau phối hợp dưới một sự lãnh đạo thống nhất. Các giám đốc sở không có đủ thẩm quyền để chỉ đạo các cơ quan ngang cấp.
Vì vậy, vai trò nhạc trưởng đô thị phải được giao cho một quan chức cao cấp như phó chủ tịch thường trực UBND. Hiện nay, phần lớn các phó chủ tịch thường trực UBND của các tỉnh và thành phố trên cả nước chỉ giữ quyền hạn thực thi trách nhiệm của một tổng chỉ huy về phát triển đô thị một cách chưa chính thức về mặt chức danh. Bên cạnh đó, trách nhiệm của một nhạc trưởng đô thị và khả năng chuyên môn về quản lý phát triển đô thị của chức danh này chưa hề được đặt ra, do đó họ không thể gánh trách nhiệm khi có sai sót về mặt chiến lược quy hoạch kiến trúc.
Sắp tới, chính quyền nên chính thức giao phó vai trò nhạc trưởng đô thị cho các phó chủ tịch thường trực UBND (cấp tỉnh và thành phố) với những quyền hạn và trách nhiệm cụ thể. Công cụ cho các nhạc trưởng đô thị này là hệ thống luật pháp của trung ương và địa phương có liên quan đến phát triển đô thị và nông thôn, các chính sách và chương trình chiến lược được vạch ra bởi KTS tư vấn chiến lược sau khi được chính quyền thành phố phê duyệt thông qua.
Công tác quản lý đô thị phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa KTS tư vấn chiến lược và phó chủ tịch thường trực UBND cùng với những người có trách nhiệm cao nhất của tỉnh và thành phố (chủ tịch UBND và bí thư tỉnh hoặc thành ủy). Do đó, người đảm nhận vai trò KTS tư vấn chiến lược và phó chủ tịch thường trực nên do đích thân chủ tịch UBND và bí thư tỉnh hoặc thành ủy chọn (nhưng sau đó phải đạt được đa số phiếu chấp chuận của HĐND - UBND), vì đó là những nhà chiến lược làm việc gần gủi nhất trong suốt nhiệm kỳ của họ và cùng chia sẻ trách nhiệm chính về các vấn đề chiến lược đô thị tầm cỡ quốc gia hoặc tỉnh và thành phố.
Vai trò của KTS - nhà tư tưởng của bản hòa tấu đô thị
Để có một đô thị hài hòa, cần có một bộ máy lãnh đạo quy hoạch kiến trúc đủ mạnh với tầm nhìn chiến lược. Ảnh Lê Toàn. |
Nếu phải có một tiêu chuẩn chung trong việc chọn KTS tư vấn chiến lược thì có lẽ trước hết phải nói đến quá trình gắn bó và am hiểu địa phương, khả năng nghiên cứu khoa học và chuyên môn tổng hợp cao cấp, khả năng lãnh đạo làm việc theo nhóm, và cái tâm với đất nước.
Dưới đây là một số gợi ý những điều “nên làm” và “không nên làm” trong việc chọn và giao trách nhiệm cho KTS tư vấn chiến lược:
• Nên thành lập chức danh KTS tư vấn chiến lược cấp quốc gia, cấp tỉnh và thành phố. KTS tư vấn chiến lược cấp quốc gia là chủ tịch hội đồng các KTS tư vấn chiến lược trên toàn quốc họp định kỳ hàng năm để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Cần phải có KTS trong bộ máy chính quyền của các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, và một số đô thị nhỏ hơn, nhưng lại mang tính chất đặc biệt về mặt văn hóa, tài nguyên và di sản quốc gia.
• Nên tạo điều kiện cho KTS tư vấn chiến lược làm việc như một chuyên gia lãnh đạo đa ngành với trụ sở và ngân quỹ riêng, và có một bộ máy phụ tá chuyên môn đa ngành. KTS tư vấn chiến lược là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược đô thị (TVCLĐT) và là người đề xuất danh sách thành viên, dưới sự phê duyệt của UBND. Việc chọn các thành viên của hội đồng này không nên chỉ dành ưu tiên cho các quan chức mà nên dành cho các chuyên gia quy hoạch kiến trúc và các chuyên gia đa ngành hàng đầu trong nước và quốc tế.
• Không nên giới hạn việc chọn KTS tư vấn chiến lược qua tình trạng tuổi tác, quốc tịch, trong hoặc ngoài Đảng, trong hoặc ngoài bộ máy chính quyền.
• Nên mở rộng khả năng tuyển dụng KTS tư vấn chiến lược như một chuyên gia có hợp đồng theo nhiệm kỳ, chứ không nhất thiết phải như một quan chức có quá trình phục vụ trong hệ thống chính quyền. Không nên cho phép KTS tư vấn chiến lược và các thành viên trong Hội đồng tư vấn chiến lược được kiêm nhiệm đồng thời bất kỳ chức danh điều hành nào khác trong bộ máy chính quyền để tránh tình trạng nhập nhằng giữa “lập pháp” và “hành pháp”.
• Không nên giới hạn trách nhiệm KTS tư vấn chiến lược chỉ như một chuyên gia phản biện hoặc đơn thuần là tham mưu chung chung, mà phải là một tổng tư lệnh thật sự về mặt tư tưởng và định hướng cho các chương trình và chính sách chiến lược đô thị. Các chính sách do Hội đồng TVCLĐT đề xuất phải được bỏ phiếu thông qua bởi HĐND và UBND trước khi đưa vào chỉ đạo thực hiện bởi các phó chủ tịch thường trực.
• Nên xây dựng một cơ chế cho phép giữ vững chủ trương các chính sách quy hoạch kiến trúc của thành phố do Hội đồng TVCLĐT đệ trình và đã được HĐND và UBND thông qua, chứ không nên thay đổi tùy tiện theo từng nhiệm kỳ. Mọi thay đổi lớn về chiến lược đều phải thông qua sự đồng tình của đa số trong HĐND và UBND và ý kiến của Hội đồng tư vấn chiến lược chứ không thể chỉ dựa trên ý kiến chủ quan của một vài quan chức cấp cao.
• KTS tư vấn chiến lược là chức danh trong bộ máy chính quyền không nên giới hạn thời gian phục vụ tối đa mà chỉ căn cứ trên khả năng lãnh đạo và sự tự nguyện phục vụ, bởi vì một chương trình chiến lược lớn thường cần phải được liên tục chỉ đạo xuyên suốt qua vài nhiệm kỳ. Trên cơ sở đánh giá thành quả đạt được trong nhiệm kỳ cũ, HĐND và UBND sẽ xem xét việc tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm gia hạn thời gian bổ nhiệm cho chức danh này vào cuối mỗi nhiệm kỳ.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG