"Nên rút thăm chọn người mua nhà giá rẻ"

Cập nhật 06/04/2009 08:40

Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng VN, cho rằng, để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng "xin - cho" khi mua nhà giá rẻ thì cần rút thăm tìm người được mua.

* Ông nghĩ sao về mô hình nhà ở xã hội nếu được nhà nước đầu tư?

- Tôi thấy mô hình nhà ở Singapore rất đáng học tập. Đó là lập quỹ công tích với những người ăn lương, hàng năm họ phải nộp một phần trăm phần lương vào đây. Đến chừng mực nào đó thì được mua một căn hộ tùy ý chọn, rồi tiếp tục trả góp. Hong Kong và Thượng Hải đã học tập rồi hiện nay đã mở rộng ra Trung Quốc.



Ông Phạm Sỹ Liêm.
Ảnh: Đoàn Loan.

Tôi thấy Bộ Xây dựng đưa ra quỹ phát triển nhà ở, nhưng lại bắt buộc mọi người ăn lương phải đóng, nhưng thực tế có nhiều người đã có nhà và căng thẳng nhà ở thì tồn tại ở đô thị lớn. Chúng ta phải đánh giá học tập thế nào cho hợp lý.

Theo tôi, nhà ở xã hội nên được cung ứng qua thị trường, thị trường có bàn tay vô hình có thể điều tiết cung cầu mà Chính phủ không làm được. Nếu chúng ta làm theo nguyên tắc tạo điều kiện phát triển thị trường, thì doanh nghiệp xây dựng nhanh lắm, còn nếu dựa vào mấy nghìn tỷ của nhà nước thì thực hiện lâu và việc "sơ sểnh" rất dễ xảy ra, lại mất cán bộ.

* Có ý kiến cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà hơn là các chủ đầu tư xây dựng, quan điểm của ông thế nào?

- Ưu đãi cho "bên cung" rất nguy hiểm, nhà nước phải vì "bên cầu" hơn "bên cung". Có nhiều cách làm đến được với người nghèo, ví dụ, nhà đầu tư xây dựng được yêu cầu làm ra căn hộ có giá thuê là 1 triệu đồng/tháng, được phép tính lãi 10%. Số tiền hàng tỷ của nhà nước có thể đưa ra bằng cách phát cho mỗi người cần nhà một phiếu 500.000 đồng để thuê nhà giá rẻ. Chủ nhà cầm phiếu ra ngân hàng để lấy được tiền, phiếu này chỉ để thuê nhà. Tất nhiên, nhà nước không thể trợ giúp mãi người nghèo, cứ 5 năm lại xét chọn.

* Theo ông, cần lựa chọn người được mua nhà giá rẻ như thế nào để đảm bảo công bằng?

- Theo tôi, cần xét theo hiện trạng nhà ở, người nào đang phải ở chật chội thì được xét, diện tích ở phải dưới 5m2/người. Nhà xã hội có ít thì giải quyết trước cho những hộ dưới 4m2/người. Chúng ta có thể kiểm tra tình trạng nhà ở qua tổ trưởng dân phố hoặc hàng xóm...

Tuy nhiên, số hộ cần nhà vẫn rất đông vậy xử lý thế nào để không có tình trạng "chạy cửa sau". Biện pháp tiếp theo là chia theo ngành như giáo dục, y tế, công an rồi để công đoàn bình chọn. Hoặc có thể rút thăm trong các hồ sơ đã nộp, nếu người không trúng thì lần sau lại ưu tiên rút thăm. Như vậy sẽ công bằng hơn.

* Ông nghĩ sao về ý kiến rằng thuê, mua nhà xã hội hiện nay giống như mô hình nhà sở hữu nhà nước (nhà 61) đã từng áp dụng?

- Khi tôi còn là Thứ trưởng Bộ xây dựng phụ trách nhà ở đô thị, tôi đã nghiên cứu tài liệu thấy rằng, nhiều nước đã bao cấp về nhà ở đều thất bại. Nhà ở bao cấp chỉ áp dụng được khi đất nước mới thống nhất. Mô hình thuê nhà hồi đó khiến cả 2 bên đều từ bỏ, nhà nước từ bỏ nghĩa vụ quản lý nhà, bên thuê từ bỏ nghĩa vụ nộp tiền. Mô hình nhà xã hội bây giờ theo hợp đồng, người ở phải giữ gìn để về sau được mua lại và trả phí hàng tháng để sửa chữa, vệ sinh.

Nhà xã hội còn điều tiết quan hệ cung cầu, nếu chủ đầu tư bán cao quá thì tôi đi thuê, chống được độc quyền. Nếu nhà cho thuê mà giá cao quá thì tôi đi mua nhà.

* Các chủ đầu tư nhà xã hội thường chọn địa điểm xa đô thị để xây dựng để hạ giá thành, ông nghĩ sao về cách làm này?

- Nhà ở giá rẻ xa đô thị là không hợp lý, có 2 cái hại. Thứ nhất là tạo căng thẳng trong giao thông, hàng ngày hàng vạn lượt người đi sẽ gây quá tải cho hạ tầng xã hội, ô nhiễm, ốm đau... Và hại cho bản thân người ở chỗ xa đó, vì nhà còn là nơi hồi phục sức khỏe, chăm sóc con cái. Muốn hạ giá thành tòa nhà trong nội đô thì phải được nhà nước trợ giá, xây cao tầng để tận dụng đất đai.

* Ông nghĩ các chính sách ưu đãi của Chính phủ đã đủ mạnh để các doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội?

- Hình thức xã hội hóa thì người kinh doanh phải có lợi nhuận, lãi càng cao thì rủi ro càng lớn, nhà xã hội không có lãi cao nhưng nhu cầu thị trường lớn, nhà nước hỗ trợ thì tôi tin nhiều doanh nghiệp sẽ làm. Trước mắt, cần tạo ra một số mô hình thí điểm thì các anh khác sẽ lao vào.

Tư duy của dân nghèo thường là muốn có nhà riêng, song họ phải tìm cách sống hơn là cải thiện điều kiện sống, phải chấp nhận thuê nhà ở. Còn người nghèo không đủ tiền thuê nhà thì nhà nước sẽ hỗ trợ, phát phiếu thuê nhà để tùy thích tìm chỗ ở.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress