Nên giao quyền trực tiếp cho quận, huyện

Cập nhật 25/02/2018 08:54

Cải cách thủ tục không “tiến” mà còn “lùi”, gây bức xúc trong dân.


Chị Hạnh, một người nhiều năm làm dịch vụ thủ tục nhà đất tại Q.Thủ Đức, nhận xét từ khi có quy định mới yêu cầu cấp GCN dồn hết về Sở TN-MT thì tình trạng ngưng trệ, trễ hạn, tồn đọng cấp sổ đỏ tăng lên rất nhiều khiến người dân liên tục ca thán.

Nếu như trước đây một hồ sơ chị đi làm mất khoảng 3 tháng thì nay có hồ sơ phải mất 6 tháng, thậm chí cả năm vẫn chưa xong.
Cải cách thủ tục không “tiến” mà còn “lùi”, gây bức xúc trong dân.

“Việc cấp GCN như trước đây do UBND các quận, huyện và văn phòng đăng ký đất đai đặt tại các quận, huyện đảm nhận đang diễn ra suôn sẻ. Từ ngày có quy định mới, mọi thứ rối tung và quan trọng hơn là ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân, trong khi nhà nước lại tốn thêm chi phí, nhân lực. Nên chăng giao hết việc cấp GCN cho người dân về các địa phương, Sở TN-MT chỉ phụ trách việc cấp GCN cho các doanh nghiệp, các tổ chức”, chị Hạnh đề xuất.

Phó giám đốc một chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thừa nhận, việc đổ dồn về Sở TN-MT là nguyên nhân chính dẫn đến ùn ứ, chậm trễ trong việc cấp giấy. Nếu trước đây 24 quận huyện được ký cấp GCN thì nay chỉ có 2 người ký cho toàn TP nên việc ùn ứ, trễ hẹn là điều khó tránh khỏi.

Hiện TP “đấu tranh” mãi mới ra được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai TP ký cấp đổi, cấp mới nhưng vẫn phải chuyển lên Sở để đóng dấu nên cũng không giải quyết được nhiều những vướng mắc tồn tại lâu nay. Với những quận trung tâm, việc giao nhận hồ sơ còn diễn ra nhanh; nhưng với các quận huyện xa như Cần Giờ hay Củ Chi, hồ sơ trễ hẹn của người dân nhiều và lâu hơn.

“Nên giao hết về cho chi nhánh toàn quyền giống như Văn phòng đăng ký đất đai TP để cấp GCN cho người dân. Bởi hiện nay tất cả các chi nhánh chuyển hồ sơ lên Sở đúng hẹn, nhưng trả lại hầu hết là trễ hẹn. Trong khi đó việc chuyển hồ sơ từ địa phương lên Sở mỗi năm tốn gần 20 tỉ đồng. Giao trực tiếp về cho địa phương, không nên qua nhiều khâu, công đoạn thì sẽ giải quyết được sự chậm trễ, chờ đợi, bức xúc của người dân hiện nay”, vị này phân tích.

Liên quan tới các trường hợp sang nhượng nhà đất bằng giấy tay, theo luật sư Trần Đức Phượng, đoàn luật sư TP.HCM, nên nới rộng mốc thời gian để hợp pháp hóa cho người dân. Thực tế luật đã nhiều lần mở cửa cho những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay được cấp GCN, do đó lần này nên nới rộng thời gian cấp GCN cho người dân đến ngày 1.7.2014 để dễ dàng quản lý, thay vì chỉ dừng lại từ trước ngày 1.1.2008.

Thực trạng tại TP.HCM hay các đô thị lớn, do nhu cầu bức thiết về nhà ở, người nhập cư, dân nghèo đô thị sẵn sàng mua một miếng đất nông nghiệp bằng giấy tờ tay để làm nhà “lậu”. Thậm chí nhiều người ít tiền cũng sẵn sàng mua nhà bằng giấy tờ tay.

Những loại nhà đất không hợp pháp này không thể ra công chứng được, chỉ có thể lập vi bằng. Do đó, nếu chỉ cấp GCN cho các trường hợp mua nhà đất bằng giấy tờ tay từ sau ngày 1.7.2004 đến trước ngày 1.1.2008 thì số lượng người dân mua nhà đất giấy tay rất lớn, thậm chí đến nay vẫn tiếp tục diễn ra. “Một người dân có một miếng đất nông nghiệp lớn được cấp GCN, sau đó xẻ ra từng lô đất nhỏ có khi chỉ 40 - 50 m2 để bán giấy tờ tay cho người khác. Có những lô đất mua bán giấy tờ tay nhiều lần. Nếu không cấp GCN để quản lý, e rằng sau này sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là khiếu nại khiếu kiện. Trong khi nhà nước cũng không thu được tiền sử dụng đất, thuế từ loại đất này, rất lãng phí”, luật sư Phượng phân tích.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên